Vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng ở Thái Nguyên: Khởi tố vụ án 'ra quyết định trái pháp luật'

Đức Sơn 14/06/2016 10:00

Liên quan đến vụ việc ông Dương Quang Hợp- nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên ra các quyết định trái pháp luật trong vụ án vợ chồng Võ Khánh Dương lừa đảo, chiếm đoạt gần 200 tỷ, khiến những người bị hại bị “tán gia, bại sản” mà báo Đại Đoàn Kết đã phanh phui từ năm 2012 đến nay, mới đây, Viện KSND Tối cao đã khởi tố vụ án để điều tra, tuy nhiên tiến trình điều tra, xử lý vụ án quá chậm chạp.

Bị tố cáo, tìm cách về hưu “non”

Vợ chồng Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh (trú tại TP Thái Nguyên) dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa đảo gần 200 tỷ đồng của 28 người. Sau đó, TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên phạt bị cáo Võ Khánh Dương mức án tù Chung thân và Nguyễn Thị Quỳnh Anh nhận 30 năm tù giam cùng về tội danh “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Đáng bàn nhất là trong khi vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố thì ngày 21/1/2011, ông Dương Quang Hợp - Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên đã ký 3 quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản đối với các bị cáo, tạo điều kiện cho vợ chồng Võ Khánh Dương tẩu tán hết tài sản. Khi đến phiên tòa xét xử, hai bị cáo không còn bất cứ tài sản gì để bồi thường cho các bị hại.

Bản án số 245/2012/HSPT của TAND Tối cao ngày 25/12/2012 đã khẳng định “Viện KSND tỉnh Thái Nguyên đã vi phạm điều 76, Bộ luật Tố tụng hình sự về việc hủy kê biên để trả lại tài sản cho một số ít bị hại là không đúng. Viện KSND tỉnh Thái Nguyên chỉ căn cứ vào việc các bị cáo và một số bị hại tự thỏa thuận về việc xử lý tài sản kê biên và tạm giữ đã quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản là không đúng quy định tại khoản 4 điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự”.

Sau đó, rất nhiều phiên tòa xét xử vụ án này được mở ra nhưng không đưa ra được phán quyết thấu tình, đạt lý khiến hàng chục bị hại “tán gia, bại sản”.

Lạ lùng hơn, trong khi các bị hại của vụ án đang tố cáo hành vi vi pháp pháp luật nghiêm trọng của ông Dương Quang Hợp- Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên và Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao đang tiếp tục điều tra thì ông Hợp xin về hưu “non” và đã được chấp thuận.

Giải quyết quá chậm chạp

Xác định việc khiếu nại của công dân về hành vi vi phạm pháp luật của ông Dương Quang Hợp là có căn cứ, có dấu hiệu phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/VKS-C1 (P5) về tội “ra quyết định trái pháp luật” theo Điều 296 Bộ Luật hình sự để điều tra, xử lý.

Cũng theo Viện KSND Tối cao, do bản án đang có hiệu lực pháp luật, các hoạt động tố tụng của Viện KSND tỉnh Thái Nguyên không thực hiện được, do đó Viện KSND Tối cao đã ban hành Kháng nghị Giám đốc thẩm số 12/QĐ-VKSTC-V7 đối với bản án hình sự phúc thẩm số 255/2014/HSPT ngày 28/5/2014 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm hủy phần quyết định về trách nhiệm dân sự của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 33/2013/HSST ngày 27/6/2013 của TAND tỉnh Thái Nguyên để điều tra lại.

Khi kháng nghị được chấp thuận, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có quyết định hủy bản án có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án được chuyển lại Viện KSND tỉnh Thái Nguyên thì Viện KSND Tối cao sẽ chỉ đạo Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định hủy bỏ các quyết định tố tụng có vi phạm nêu trên của ông Dương Quang Hợp đã ký.

Theo điều tra của phóng viên, trong bản kháng nghị Giám đốc thẩm số 12/QĐ-VKSTC-V7 của Viện KSND Tối cao cũng cho rằng: Việc Cơ quan điều tra căn cứ điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự tiến hành kê biên tài sản của các bị cáo là cần thiết để đảm bảo thi hành án.

Việc ông Dương Quang Hợp ký các quyết định hủy bỏ kê biên số tài sản nói trên là vi phạm Khoản 4, Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự. Việc ông Hợp ký các quyết định trả vật chứng cho một số người là vi phạm quy định về thẩm quyền xử lý vật chứng tại Khoản 1, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, theo đó “việc xử lý vật chứng do Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử”.

Vụ án có 28 bị hại, các bị cáo có trách nhiệm bồi hoàn cho tất cả các bị hại, song ông Hợp chỉ quyết định trả số tài sản trên cho 5 người bị hại và 2 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không công bằng, vi phạm quyền lợi của các bị hại khác.

Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm quyết định buộc các bị cáo bồi thường cho 23 bị hại (trừ 5 người bị hại và 2 người liên quan đã được Viện kiểm sát trả lại tài sản) là mặc nhiên công nhận quyết định sai trái nêu trên của ông Dương Quang Hợp.

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thu Hương (một bị hại của vụ án) bức xúc: “Vụ án đã xảy ra gần 7 năm, qua gần chục phiên tòa xét xử nhưng dường như các bị hại không biết có đòi được quyền lợi hợp pháp hay không. Viện KSND Tối cao đã khởi tố vụ án “ra quyết định trái pháp luật”, đề nghị xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm và hủy bỏ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đó, mang lại chút hy vọng cho chúng tôi. Nhưng đến nay, ngành chức năng giải quyết rất chậm chạp. Các bản án trước đó vẫn chưa được hủy, cũng chưa xem xét xử lý nghiêm ông Dương Quang Hợp. Chúng tôi là bị hại vốn đã khuynh gia bại sản, cuộc sống rơi vào cảnh khốn cùng nhiều năm qua và đã kiến nghị, tố cáo mất rất nhiều thời gian”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng ở Thái Nguyên: Khởi tố vụ án 'ra quyết định trái pháp luật'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO