Liên quan đến hệ thống nhà máy lắp ráp xe điện “khủng” của Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật (Công ty DK Việt Nhật) xây dựng không phép trên đất ở nông thôn tại xã Hoàng Đồng, UBND thành phố Lạng Sơn vừa có báo cáo kết quả kiểm điểm trách nhiệm nhưng không đề cập đến trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố.
Báo cáo kết quả kiểm điểm của UBND thành phố Lạng Sơn thể hiện, nội dung sai phạm cần được kiểm điểm là cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất có vi phạm nhưng chưa thực hiện xong biện pháp khắc phục hậu quả.
Cụ thể, xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp, đất ở tại nông thôn, đất quy hoạch giao thông để sử dụng vào mục đích kinh doanh. UBND thành phố đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, các hộ gia đình, cá nhân vi phạm đã nộp tiền phạt, nhưng chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng của đất như trước khi vi phạm.
Theo đó, các cá nhân có trách nhiệm liên quan gồm 6 cá nhân: Ông Lưu Đình Thảo (thời điểm để xảy ra sai phạm là Chủ tịch UBND xã Hoàng Đồng); Ông Hoàng Văn Nâng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường Đông Kinh (thời điểm để xảy ra sai phạm là Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Đồng); Bà Lê Thị Nhiên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường; Bà Trần Mai Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố (thời điểm để xảy ra sai phạm là Phó Trưởng phòng TN&MT thành phố); Ông Hà Quang Nam, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường; Bà Hoàng Thị Lan Hương, công chức phòng TN&MT thành phố (thời điểm để xảy ra sai phạm là công chức địa chính xã Hoàng Đồng).
Tại cuộc họp kiểm điểm, bà Lê Thị Nhiên, Trưởng phòng TN&MT và bà Trần Thị Mai Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đã tự nhận thấy trách nhiệm trong việc tham mưu giải quyết hồ sơ xử lý vi phạm hành chính và hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất cho ông Đạo, ông Khôi và bà Đào sang đất ở tại nông thôn khi chưa buộc gia đình tháo dỡ toàn bộ công trình trả lại hiện trạng của đất như trước khi vi phạm là chưa đúng quy định.
Bà Lê Thị Nhiên, bà Trần Thị Mai Anh khẳng định bản thân không cố tình làm sai, không tư lợi cá nhân và tự nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm. 4 cán bộ còn lại cũng đều lý giải không cố tình làm sai và đều tự nhận hình thức nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho rằng, việc sai sót là chưa tham mưu trình UBND thành phố cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất mà đã tham mưu cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở tại nông thôn. Mặt khác, ông Hạnh cũng cho rằng, việc triển khai thực hiện Nghị định số 102/2014/NĐ-CP 10/11/2014 của Chính phủ về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm” trên thực tế tại địa phương là khó thực hiện.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn đã ký ban hành văn bản báo cáo và đề xuất UBND tỉnh xem xét, không áp dụng hình thức kỷ luật đối với các cá nhân sai phạm, đề nghị các cá nhân nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Đáng chú ý, tại cuộc họp kiểm điểm cũng như báo cáo kết quả xem xét kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến các nội dung sai phạm của Công ty DK Việt Nhật (báo cáo số 1067/BC-UBND) của UBND thành phố Lạng Sơn không có bất cứ câu chữ nào đề cập đến trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố.
Với cách kiểm điểm như vậy, có thể nhận thấy rằng lãnh đạo UBND thành phố Lạng Sơn hoàn toàn vô can. Và để xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại Dự nhà máy DK Việt Nhật, các cán bộ liên quan chỉ nhận hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm là quá nhẹ nhàng, chưa thuyết phục.
Xin nhấn mạnh thêm, không những không chỉ đạo ngăn chặn, xử lý hành vi xây dựng nhà máy “khủng” không phép của Công ty DK Việt Nhật mà khi nhà máy “không phép” tổ chức lễ khánh thành, lãnh đạo UBND thành phố Lạng Sơn (ngày 14/3/2018) vẫn đến dự và chúc mừng, tạo nên hình ảnh rất phản cảm.
Về dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã kết luận, trách nhiệm trước hết thuộc về Công ty DK Việt Nhật.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cũng kết luận, để xảy ra vụ việc có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là UBND TP. Lạng Sơn, Sở TN&MT, Sở Xây dựng và một số cơ quan liên quan đã buông lỏng quản lý, không phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm của Công ty. Đến nay các nội dung vi phạm tác động rộng, gây khó khăn, phức tạp trong công tác xử lý, khắc phục hậu quả.