Sau khi đăng bài “Tam Kỳ (Quảng Nam): Thành phố của những con đường… cụt”, chúng tôi liên tiếp nhận được những phản ánh của người dân về nỗi khổ khi phải sinh sống trong những khu dân cư bị vướng vào các con đường cụt.
Ông Nguyễn Lực (62 tuổi), trú khối phố 8, phường An Sơn chia sẻ: “Xóm tôi nằm ở đường cụt, lọt thỏm ở đoạn đường Tôn Đức Thắng nối Nguyễn Hoàng, con đường hiện tại hẹp, ngoằn ngoèo. Mỗi khi có người đau ốm xe cấp cứu không thể chạy vào sâu nên phải cõng người đau ra ngoài đường chính để chở tới bệnh viện. Mùa mưa nước lũ dâng ngập, cực khổ kéo dài mà chẳng biết vì đâu?”.
Một bạn đọc khác cho biết: “Đường Hà Huy Tập không những cụt mà là đường đứt đoạn từng khúc, nó có từ khi Tam Kỳ còn thị xã, rồi lên thành phố loại 3 rồi loại 2 không lẽ tương lai lên loại 1 cũng để vậy hay sao? Không lẽ nỗi khổ này dân phải gánh mãi hay sao?”.
Rất nhiều bạn đọc khác đã chỉ ra nhiều tuyến đường cụt, cùng với đó là nỗi niềm sinh sống với những con đường này hàng chục năm qua. Tất cả họ đều mong mỏi, Tam Kỳ sớm chấm dứt tình cảnh thành phố của những con đường cụt.
Được biết vấn đề này, trong Kết luận 689-KL/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam về Đề án xây dựng và phát triển thành phố Tam Kỳ thành đô thị loại I vào năm 2025. Trong đó có nội dung liên quan đến vấn đề Đại Đoàn Kết đã nêu.
Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng: năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tam Kỳ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế tăng trưởng khá; lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh…
“Tuy nhiên, việc phát triển đô thị Tam Kỳ vẫn còn một số hạn chế: Hạ tầng chưa đồng bộ, ít công viên cây xanh và điểm sinh hoạt công cộng cho nhân dân, nhiều điểm nút giao thông kết nối giữa các tuyến đường đô thị còn dở dang, chưa huy động tốt nguồn lực xã hội hóa để đầu tư phát triển đô thị,…” - trích văn bản số 689-KL/TU, của Tỉnh ủy Quảng Nam
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, một lãnh đạo thành phố Tam Kỳ thừa nhận: “Đúng vậy, có nhiều việc cần phải làm, trong đó có việc giải quyết các vấn đề tồn tại về kết cấu hạ tầng giao thông chính, hạ tầng khu dân cư, hệ thống thoát nước một số nơi chưa khớp nối, dẫn đến nhiều vị trí thường xuyên bị ngập úng khi mưa lớn ảnh hưởng đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và nhiều vấn đề khác của thành phố”.
Được biết, để Tam Kỳ có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương có cơ chế đặc thù đối với đô thị tỉnh lỵ để đầu tư chỉnh trang khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II, phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ghi nhận và cơ bản thống nhất chủ trương đối với những đề xuất, kiến nghị cụ thể của Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ tại Báo cáo số 23-BC/TU, ngày 25/12/2020 về những vấn đề tồn tại bất cập và để phát triển thành phố thành đô thị loại I.
Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng, việc xem xét cơ chế hỗ trợ, giải quyết các kiến nghị này cần được tính toán chặt chẽ để đảm bảo cân đối nguồn lực tài chính hằng năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2021- 2025.
Tam Kỳ cần khơi dậy và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội và đô thị, liên kết, tạo động lực thúc đẩy các địa phương khác cùng phát triển. Tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư phát triển đô thị theo hướng sinh thái, thông minh. Thực hiện hoàn chỉnh khớp nối các tuyến giao thông, thoát nước trong khu vực nội thị, nâng cao chất lượng đô thị.
Tam Kỳ thành phố của những con đường… cụt là thực trạng hiện nay. Điều này ai cũng thấy nhưng chỉ người dân là gánh nỗi khổ.
Chủ trương đã có nhưng khi nào triển khai và đến bao giờ xóa sổ tình trạng này thì người dân vẫn còn chờ câu trả lời của lãnh đạo thành phố.