Vu vơ thưởng Tết

Thành Vĩnh 07/01/2016 09:10

Sau Tết Dương lịch, dường như năm nào cũng thế, khi cái Tết truyền thống dân tộc sầm sập đến gần, là lúc đường phố mỗi ngày mỗi đông đúc, cuống cuồng lên. Trên mạng, nhộn nhịp rao bán hàng Tết. Doanh nghiệp lo công bố thưởng Tết. Còn người lao động bắt đầu nghĩ tới việc lo Tết. Kế hoạch hay là hoài bão hay ước vọng cho một năm làm việc ta ít nhìn thấy ở những ngày này, dù về lý nó là sự bắt đầu của một năm công tác và làm việc mới. Thay vào đó là bàn luận về thưởng Tết.

Đáng tiếc thay, tâm lý quay cuồng với cái Tết âm lịch đã làm những tháng đầu năm mới (theo dương lịch) trở thành thời điểm người ta lo nhiều hơn tới những hiếu hỉ sự vụ cho ngày Tết. Thành ra những ngày đầu năm (dương lịch) luôn được làm việc với tâm lý của những ngày cuối năm (âm lịch).

Không ai phủ nhận sự thiêng liêng, giá trị tinh thần quan trọng của ngày Tết truyền thống dân tộc. Nhưng có lẽ trong sự phát triển ngày nay, nên duy trì một ý chí duy lý hơn trong việc giải quyết và cân bằng âm dương.

Đến giờ này đã có nhiều cơ quan, doanh nghiệp công bố mức thưởng Tết (là thưởng Tết âm lịch). Trên mạng đã lại xôn xao tin thưởng Tết rồi. Mà năm nào cũng vậy, chênh lệch ghê gớm, chỗ này vào trăm triệu, chỗ kia chỉ có mấy trăm nghìn. Qui luật thị trường chi phối, cả trong tiền thưởng. Đó là sự thay đổi vượt bậc trong tư duy của chúng ta. Nhưng giá như mọi sự thưởng Tết chênh lệch đều phản ánh đúng thực chất của nền kinh tế, đằng này nhiều khi chỉ là do họ là ngành kinh doanh độc quyền hoặc nhiều vấn đề khác nữa…

Người Việt mình quanh năm xoay quanh chữ Tết. Sau Tết còn chán mới vào việc. Trước Tết cả tháng đã ngồi ngóng tin thưởng Tết. Chẳng tin nào lan nhanh bằng tin thưởng Tết. Trên facebook chỉ cần một người đưa ra mức thưởng Tết của cơ quan X, Y nào đó là “cộng đồng” dùng facebook của cả cơ quan bắt đầu xôn xao bình luận. Nhiều người đau đầu vì một tin vịt của ai đó của cơ quan tung lên, vợ tưởng thật cứ đòi chồng đưa đủ số tiền đó.

Thời buổi cái gì cũng đưa lên mạng, lên mức thưởng Tết chênh lệch cứ rõ mồn một ra. May được cái người Việt mình hay cười. Đầu thế kỷ 20, học giả Nguyễn Văn Vĩnh chỉ ra: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”.

Trong đời sống ngày nay phẩm chất hay cười ấy vẫn được duy trì. Được cái hay là luôn khiến người Việt lạc quan, ngay cả khi có sự chênh lệch về mức thưởng Tết. Nhưng có cái không hay là chính bởi “mọi sự hết cả nghiêm trang” mà tinh thần Tết kéo dài quá lâu, giữa thời buổi cần lao động cần cù nghiêm túc, cần kỷ luật lao động và giờ giấc. Mà bộ phận luôn làm việc theo giờ giấc của Tết không phải công nhân ở các khu lao động (ở đấy họ có khi phải làm đến cận Tết) mà lại ở những khu vực hành chính, những dịch vụ hành chính công cần tận tuỵ phục vụ nhân dân.

Kể ra thì công bố thông tin về thưởng Tết sớm cũng tốt nhưng mà nghe tin ấy trước Tết hơn 1 tháng có nghĩa là hơn một tháng còn lại người ta lao động bằng tinh thần của những ngày năm cùng tháng tận, bất chấp đó là thời điểm đầu tiên của một năm làm việc theo dương lịch. Chúng ta không cực đoan tới mức bỏ Tết dân tộc như một vài ý kiến đề xuất nhưng mọi hoạt động lao động sản xuất nên được tính theo năm làm việc.

Thưởng là một hình thức khuyến khích người lao động, được hưởng theo chất lượng lao động trong một tháng, một năm. Vậy thì tại sao không thưởng khi kết thúc một năm lao động, để khỏi phải mất hàng tháng trời thời gian làm việc “theo tinh thần” ngóng thưởng Tết. Ngay cả cái vẫn được gọi là “lễ ra quân” năm mới cũng vậy, luôn được nhiều cơ quan triển khai sau Tết âm lịch, dù có khi nó đã ở đoạn cuối của quý đầu tiên của một năm làm việc. Tinh thần Tết trước và sau Tết đang là một việc giống như ta luôn “cười hì một tiếng”, mọi sự mất hết cả nghiêm trang.

Mấy hôm nay mạng rộ lên các tin đồn thưởng Tết. Đồn tới đồn lui rồi sẽ đến Tết thôi. Rồi cũng đâu vào đấy. Dù chênh lệch thì năm nào cũng thế. Mà đừng so sánh. Thời buổi internet công bố mọi thông tin thế này mà cứ so sánh mình với người khác thì sống làm sao nổi. Còn hơn 1 tháng nữa mới Tết, dân mạng xốn xang tin thưởng Tết sớm thế? Có cô giáo hỏi trên Facebook: Có lương tháng thứ 13 ở ngành giáo dục không và giáo viên có được hưởng không? Ừ thì biết trả lời thế nào. Chênh lệch năm nào cũng có, giáo viên thì tùy nơi, chẳng biết so sánh thế nào!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vu vơ thưởng Tết