Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến nay, tính từ đầu năm 2020, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s (hoạt động trong nhiều lĩnh vực tài chính, trong đó có hoạt động phân tích kinh tế và quản lý rủi ro); S&P (tổ chức nghiên cứu rủi ro tín dụng) và Fitch (1 trong 3 tổ chức xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới) đồng loạt nâng triển vọng lên “tích cực”.
Cơ sở để tổ chức S&P đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số “tín nhiệm quốc gia” và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên “tích cực” là dựa trên kết quả chống dịch Covid-19, thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng và kiềm chế lạm phát của Việt Nam.
Với S&P, tiếp theo mức tăng trưởng GDP năm 2020 thuộc nhóm cao trên toàn cầu, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng hai năm tiếp theo nhờ vào các giải pháp hiệu quả cao của Chính phủ để kiềm chế dịch trong nước. Đồng thời, Việt Nam còn là điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á về thu hút FDI, cùng với tăng trưởng xuất khẩu, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc.
Đại dịch dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu đã dẫn đến bất ổn xã hội với nhiều quốc gia. Trong năm 2020, đã có 124 lượt hạ bậc và 133 lượt hạ triển vọng trên toàn thế giới. Còn tính đến ngày 21/5/ 2021, đã có 16 quốc gia bị hạ bậc từ kết quả đánh giá của 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn toàn cầu là Moody’s, S&P và Fitch.
Cũng cần nhắc lại, theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2021 (WHR) của Liên hợp quốc, Việt Nam tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (từ thứ 83 lên 79). Trong bảng xếp hạng “Chỉ số Hành tinh hạnh phúc” (HPI) do New Economics Foundation công bố, Việt Nam đứng đầu châu Á và đứng thứ 5 thế giới.
Chưa hết, gần đây, cho dù là đại dịch vẫn hoành hành nhiều nơi trên thế giới thì Việt Nam vẫn vào Bảng xếp hạng 10 quốc gia lý tưởng cho người nước ngoài làm việc và sinh sống (dựa trên khảo sát Expat Insider 2021 từ tổ chức Internations). Khảo sát đưa ra kết quả từ các chỉ số chất lượng cuộc sống, thuận tiện định cư, môi trường làm việc, tài chính cá nhân và chi phí sinh hoạt.
Theo đó, Việt Nam là nơi lý tưởng cho người nước ngoài sinh sống với chi phí sinh hoạt phải chăng. Việt Nam còn được đánh giá cao nhờ những bãi biển đẹp, đồ ăn ngon và nền văn hóa hấp dẫn, là điểm đến lý thú cho bất kỳ ai muốn có những trải nghiệm mới.
Cùng chung nhận xét, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Báo cáo Mùa Xuân 2021 đã dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% trong năm 2021 và đạt mức 7,2% vào năm 2022. Theo IMF, kết quả đó đến từ nền tảng vững vàng, cũng như những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ.
Về tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam, IMF ước tính sẽ giảm từ 3,3% trong năm 2020 xuống 2,7% trong năm 2021, sau đó tiếp tục giảm còn 2,4% trong năm 2022. “Đây là những dấu hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam nếu so với mặt bằng chung của thế giới”, theo IMF.
Đó là những nhận xét trên cơ sở những gì Việt Nam đã đạt được trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 (tính đến hết tháng 4). Điều đó mang ý nghĩa khích lệ lớn với chúng ta, tuy nhiên cũng không thể vì thế mà có thể “ngủ yên trên vòng nguyệt quế”. Thực tế cho thấy, phía trước vẫn còn nhiều gian nan, thách thức.
Đặc biệt, kể từ ngày 27/4, đã qua 1 tháng chúng ta có những chùm ca dịch Covid-19 mới trong cộng đồng. Đến nay đã có 31 tỉnh, thành có ca nhiễm mới. Dịch bệnh lần này căng thẳng hơn 3 lần trước do tốc độ lây lan nhanh của những biến thế virus mới xâm nhập từ bên ngoài. Nhiều khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh đang gặp khó khăn lớn.
Nhiệm vụ hết sức nặng nề hiện giờ và có thể còn kéo dài là vừa phải quyết liệt chống dịch, vừa phải bảo đảm sản xuất, không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lại càng không được để nền kinh tế sụp đổ - điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đã gặp phải và tới nay vẫn không thoát ra được. Dịch trong nước diễn biến phức tạp trong khi đó các quốc gia láng giềng, các quốc gia trong khu vực và kể cả phạm vi châu lục Covid-19 vẫn hoành hành dữ dội.
Mới đây nhất, sáng ngày 28/5, cả Thái Lan và Malaysia đều công bố gia tăng số ca lây nhiễm mới trong vòng 24 giờ cũng như số người tử vong do Covid-19. Với Nhật Bản, Thủ đô Tokyo và 8 địa phương khác tuyên bố kéo dài thời gian cách ly.
Chúng ta không phải là ốc đảo để có thể bình yên vô sự, nhưng chúng ta quyết không chịu bó tay thúc thủ mà vừa phòng chống vừa chủ động tấn công dịch bệnh. Chiến lược 5K + vaccine được đẩy mạnh hơn bao giờ hết đã cho kết quả bước đầu trong đợt lây nhiễm lần thư tư này.
Bắc Giang, Bắc Ninh cho dù số ca lây nhiễm mới vẫn tăng nhưng hầu hết đều nằm trong khu vực phong tỏa, cách ly, được kiểm soát chặt chẽ. Các khu công nghiệp đã lên kế hoạch công nhân ở lại nhà máy, vừa phòng chống Covid-19 vừa chia ca sản xuất.
Những biện pháp quyết liệt và sáng tạo được triển khai trong một tháng qua đã đem đến niềm tin cho toàn xã hội. Rồi đây khi vaccine được nhập về nhanh hơn, nhiều hơn; tiến độ tiêm chủng nhanh hơn thì niềm tin sẽ càng lớn hơn.
Nhưng, như đã nói, Covid-19 biến chủng khó lường, chúng ta không phút giây nào được chủ quan. Những gì đã đạt được, củng cố niềm tin, nhưng những gì phía trước lại là thách thức. Vững vàng vượt qua thách thức chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, từ đó thành công cũng sẽ lớn hơn lên. Đó là điều chắc chắn.