Dù Covid-19 trở lại nhưng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn lạc quan khi mà GDP dự báo sẽ tăng 7,6% trong năm 2021, cao nhất trong toàn khu vực - nhận xét của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics trong Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á mới đây.
Năm bật dậy của nền kinh tế
Theo báo cáo, GDP của Việt Nam năm 2021 dự báo sẽ tăng 7,6%, cao nhất trong toàn khu vực. Mới đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên tích cực. Nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế trong nước cũng lạc quan mức tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam ở mức trên 6,5%.
Dự báo của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics, bất chấp Covid-19, năm 2021, GDP Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng ở mức 7,6%. Cùng với Singapore, kinh tế Việt Nam có tốc độ hồi phục hàng đầu khu vực. Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam 2021 ở mức 6,7%.
Thực tế sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm (số liệu 6 tháng chưa được tổng hợp) cho thấy, sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%.
Giám đốc ADB Việt Nam - ông Andrew Jeffries - cho rằng điều quan trọng là Việt Nam vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa đảm bảo tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trưởng thành, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho một tương lai kinh tế do khu vực tư nhân dẫn đầu.
Cũng dự báo như nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác, Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản (JRI) nhận định, các yếu tố giúp nâng cao ưu thế và thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam chính là xu hướng dịch chuyển sản xuất và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do tích cực. JRI nhấn mạnh yếu tố hỗ trợ kinh tế Việt Nam vững vàng chính là xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam áp dụng chính sách khuyến khích sản xuất và đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng xu hướng dịch chuyển sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Theo JRI, để đạt tăng trưởng ổn định trong trung và dài hạn, Việt Nam cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Có thể nêu một dẫn chứng: Trong bảng xếp hạng Tốp 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới năm 2021 do Brand Finance - công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) của Việt Nam tăng 32 bậc, trong bối cảnh các thương hiệu viễn thông thế giới có mức giảm giá trị trung bình 2%. Đáng chú ý, Viettel là thương hiệu viễn thông duy nhất tại Ðông Nam Á có mặt trong bảng xếp hạng này.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ với GDP dự kiến tăng 6,5%. Trước đó, tháng 10/2020, IMF cũng dự báo, năm 2020, GDP của Việt Nam sẽ tăng 1,6%. Quy mô GDP Việt Nam là 340,6 tỷ USD, đứng thứ 4 Đông Nam Á (vượt Singapore với 337,5 tỷ USD). Tới năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 5.211,90 USD.
Còn theo “Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO)” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì dự kiến tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2021 đạt 6,3%. Trong khi đó, theo Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu mang tựa đề “Việt Nam - Tăng trưởng bị gián đoạn trong quý III/2020, nhưng triển vọng phục hồi ổn định”, Ngân hàng Standard Chartered nhận định, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,8% vào năm 2021.
Như vậy, có thể thấy, dù đưa ra những dự báo khác nhau nhưng hầu hết các tổ chức quốc tế đều cho rằng dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng GDP của Việt Nam vẫn đạt ở mức 7%, cao hơn nhiều so với năm 2020 (2,9%). Đặc biệt, theo Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings, năm 2021 Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của Covid-19. S&P Global Ratings cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 11,2% vào năm 2021.
Như vậy, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn là rất tích cực.
Dồn lực chống Covid cũng là để tăng trưởng kinh tế
Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong hoàn cảnh khó khăn, theo truyền thống quốc tế, đó chính là việc Việt Nam đã chống Covid-19 rất tốt.
Theo AFP, trong khi nhiều quốc gia ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao do Covid-19, Việt Nam đã khống chế ở mức thấp nhất có thể cả về số ca lây nhiễm cũng như ca tử vong. Để có được điều đó là nhờ các biện pháp kiểm dịch hàng loạt, truy vết tiếp xúc diện rộng và kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển, cho phép các nhà máy vẫn mở cửa và người dân nhanh chóng trở lại làm việc.
Bài viết dẫn lời ông Adam McCarty - Kinh tế trưởng của Công ty tư vấn Mekong Economics có trụ sở tại Hà Nội, tin tưởng rằng, chiến thắng của Việt Nam trước đại dịch Covid-19 trong năm 2020 sẽ mang lại nhiều lợi ích trong những năm tới. “Cách ứng phó với đại dịch đã gần như khiến Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới, đồng thời khiến cho các công ty nước ngoài có cái nhìn khác về Việt Nam” - theo A.McCarthy.
Còn trang web của đài ABC (Úc) thì cho rằng Việt Nam chống Covid-19 “rất hiệu quả”. Ngay cả khi phải đối mặt với những làn sóng Covid-19 rất dữ dội thì Việt Nam vẫn bình tĩnh kháng cự, tìm được cách tốt nhất kiềm chế dịch bệnh không lây lan và cũng có được cách chữa trị cho bệnh nhân thật sự hiệu quả theo cách của riêng mình. Đài ABC nhận xét, ngay từ khi bùng phát đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã triển khai những bước phòng chống dịch nhanh chóng và quyết liệt. Cùng với đó là công tác xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và tổ chức các chiến dịch truyền thông sức khỏe cộng đồng.
“Sự đồng thuận của người dân là yếu tố quyết định để thành công”- Quỹ Tiền tệ quốc tế dẫn khảo sát của hãng YouGov của Anh. Theo đó, có tới 97% người Việt Nam đồng thuận với các ứng phó dịch Covid-19 của Chính phủ. Còn giáo sư Thwaites - Giám đốc của Đơn vị nghiên cứu lịch sử ĐH Oxford tại TPHCM, đánh giá cao việc chính quyền đã thực hiện phong tỏa nhanh chóng và hiệu quả.
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tiến sĩ Kidong Park, không ít lần nhấn mạnh: Chúng tôi rất ấn tượng với những gì Việt Nam đã làm. Theo ông Park, hệ thống giám sát y tế của Việt Nam hoạt động hiệu quả nên đã phát hiện sớm, kịp thời các ca bệnh. Sau khi phát hiện ca bệnh thì các phản ứng lại rất nhanh chóng, triển khai đồng bộ các biện pháp tổ chức cách ly, giám sát, truy vết, khoanh vùng dập dịch... Điều mà không phải quốc gia nào cũng làm được. Ông Park cũng cho rằng chính việc minh bạch thông tin dịch bệnh của Việt Nam đã củng cố niềm tin của người dân với chính quyền.
Trên tờ Telegraph, với bài báo có tiêu đề “Việt Nam đã đánh bại làn sóng Covid-19 thứ hai như thế nào”, giả Michael Tatarski viết cuộc sống tại Việt Nam diễn ra bình thường một cách đáng kinh ngạc. Mọi ca bệnh mới đều được cách ly và truy vết tiếp xúc một cách nhanh chóng, tỉ mỉ. “Đây là những chiến thuật mà Chính phủ Việt Nam đã sử dụng ngay từ khi đợt dịch đầu tiên bùng phát, và chúng vô cùng hữu hiệu”- bài báo đánh giá.
Cũng từ việc “đánh bại Covid-19”, nền kinh tế Việt Nam đã không “gục ngã”, vẫn phát triển ngay cả khi đại dịch vẫn hoành hành dữ dội tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2021.
Tiến sĩ Jacques Morisset - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phát biểu trong Hội thảo “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh”, cho rằng Việt Nam là một nền kinh tế có khả năng phục hồi cao hơn nhiều nước trên thế giới.
“Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp” - theo Tiến sĩ J.Morisset. Việt Nam là một nền kinh tế sôi động và vẫn phát triển nhanh hơn các nước khác nhờ việc kiểm soát rất tốt đại dịch. Còn theo bà Virginia B. Foote - Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, Việt Nam đã “thành công hiếm có” trong việc ứng phó với chủng virus khủng khiếp SARS-CoV-2. Thành công trong việc phòng chống dịch bệnh đã giúp Việt Nam sớm bắt đầu công cuộc phục hồi kinh tế, càng nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.