Do các vướng mắc xung quanh phạm vi bảo tồn cụm di tích Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội đang nghiên cứu bỏ hẳn ga ngầm C9 - ga Bờ Hồ trên tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Vướng mắc kéo dài
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 là một tuyến quan trọng trong mạng lưới phát triển đường sắt đô thị của TP Hà Nội, có lộ trình từ Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình. Dự án có chiều dài 11,5 km trong đó có 2,6 km đi trên cao và 8,9 km đi ngầm, có 3 ga trên cao từ C1 đến C3 và 7 ga ngầm từ C4 đến C10.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia của Hà Nội, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản và được UBND TP Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở năm 2008.
Được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai và điều chỉnh Dự án tại công văn số 108/TTg-KTN ngày 12/12/2016. Tính đến nay, dự án đã kéo dài gần 14 năm.
Tất cả các hạng mục tuyến, Depot và các ga đều đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng. Nhưng chỉ riêng mặt bằng ga ngầm C9 đặt tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm hiện vẫn chưa được thông qua. Do vị trí ga C9 được đặt ngầm ngay dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần diện tích vườn hoa cây xanh phía trước Công ty Điện Lực TP Hà Nội.
Thực tế, vị trí quy hoạch ga ngầm C9 đã được UBND thành phố đề xuất lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) từ gần 10 năm trước. Ban đầu, Bộ đã đồng ý với tất cả các đề xuất về vị trí hướng tuyến (2008), vị trí ga (2010), vị trí các công trình phụ trợ (2015), cuối cùng là vị trí các cửa lên xuống (2017).
Những tưởng, dự án sẽ suôn sẻ và đi vào xây dựng, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển vì theo yêu cầu của các nhà khoa học văn hóa, lịch sử tại cuộc họp tháng 12/2017, UBND thành phố đã tổ chức trưng bày công khai và lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân về quy hoạch ga ngầm C9 tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (tháng 3/2018), thu được sự ủng hộ của đa số nhân dân tham gia sự kiện (90% là ý kiến đồng tình, ủng hộ).
Ngoài ra, tại cuộc hội thảo do Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam tổ chức (tháng 11/2018), 11 đại biểu là các nhà khoa học đứng đầu các Hội khoa học/nghề nghiệp ủng hộ, đồng tình trong số 12 đại biểu phát biểu ý kiến.
Tuy nhiên, từ năm 2017, Bộ VHTT&DL đã yêu cầu điều chỉnh vị trí ga C9 ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích Hồ Hoàn Kiếm. Bởi vậy, từ đó tới nay, quy hoạch vị trí ga ngầm C9 nói riêng, Dự án tuyến ĐSĐT số 2 nói chung tiếp tục nằm im lìm trên giấy, giữa những bùng nhùng tranh cãi tưởng như không hồi kết.
Tại nhiều nước phát triển, có nền văn hóa lâu đời, bề dày lịch sử nhưng việc xây dựng các tuyến ĐSĐT với nhà ga đi kế cận hay thậm chí là đi ngầm ngay dưới di tích đã được xây dựng khá nhiều.
Ví dụ như nhà ga San Giovanni hoặc ga Fori Imperiali của dự án tuyến ĐSĐT ký hiệu C, thủ đô Rome, Italia, được xây dựng ngay bên dưới khu di sản gồm di tích đấu trường và Khải hoàn môn La Mã nổi tiếng.
Nên giữ hay bỏ ga C9?
Do vướng mắc kéo dài quá lâu buộc Hà Nội phải tiếp tục tìm cách nghiên cứu, giải quyết vị trí ga ngầm C9 của tuyến ĐSĐT số 2, và đưa ra 3 phương án.
Phương án thứ nhất, hướng nghiên cứu tập trung sâu vào việc đưa ga C9 ra ngoài vùng bảo vệ, chọn phương án có ảnh hưởng thấp nhất đến dân cư so với các phương án khác, vận dụng hết sức các điều kiện kỹ thuật ngặt nghèo như bán kính cong nhỏ nhất cho phép, kết cấu ga và tuyến xếp chồng để thu hẹp nhất phạm vi ảnh hưởng… nhưng vẫn đem lại kết quả ảnh hưởng lớn đến dân cư phố cổ và cảnh quan kiến trúc mặt đường Đinh Tiên Hoàng.
Cụ thể: Về tuyến hầm cần phải tạm thời di dời các tòa nhà có móng cọc sâu khi thi công hầm bằng máy khoan đào TBM: Nhà hát múa rối Thăng Long (588 m2), Khách sạn và các tòa nhà tại số 39-43-45-47 Gia Ngư (349 m2), UBND phường Hàng Bạc (92 m2)… và có thể các tòa nhà khác.
Để phục vụ thi công và quản lý vận hành ga C9, phải giải phóng mặt bằng, phá dỡ và xây dựng lại một số diện tích mặt phố Đinh Tiên Hoàng cũng như khu nhà làm việc của Sở Văn hóa và Thể thao (khoảng 270 m2), khu dân cư từ số 61 đến 67 Đinh Tiên Hoàng (khoảng 260 m2); Khu nhà làm việc của EVN Hà Nội phải giải phóng mặt bằng 630 m2, tăng 185 m2 so với phương án cũ là 445 m2…
Chi phí cho việc bồi thường GPMB xây dựng ga, tuyến hầm theo phương án này tăng khoảng 1.342 tỷ đồng.
Chưa kể các hạn chế về mức độ thuận tiện, an toàn cho hành khách sử dụng, các phát sinh nêu trên cũng đủ làm cho phương án này bất khả thi vì những ảnh hưởng nặng nề đến dân cư, cảnh quan khu phố cổ và di tích Hồ Hoàn Kiếm, khả năng phát sinh khiếu kiện rất cao…
Phương án thứ hai, hướng nghiên cứu giữ nguyên hướng tuyến đã đề xuất phê duyệt, đưa ga C9 ra ngoài vùng bảo vệ II, cũng áp dụng vận dụng các điều kiện kỹ thuật ngặt nghèo như bán kính cong nhỏ nhất cho phép, kết cấu ga và tuyến xếp chồng để thu hẹp nhất phạm vi ảnh hưởng… thì ga C9 sẽ được bố trí tại phía trước trụ sở HĐND, UBND thành phố Hà Nội hoặc ngay phía trước vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, muốn bố trí xây dựng ga ngầm tại các vị trí này sẽ phải giải phóng mặt bằng, trưng dụng đất công cộng của UBND thành phố, vườn hoa Lý Thái Tổ để bố trí các lối lên xuống, tháp thông gió và các công trình phụ trợ khác… Rất khó khả thi vì đây là các không gian quan trọng, là các tòa nhà di sản…
Phương án thứ ba, là giữ nguyên vị trí hướng tuyến nhưng loại bỏ, không xây dựng ga C9 hoặc xây dựng ga C9 sau khi đã đưa tuyến vào vận hành khai thác.
Khi không xây dựng ga C9, tàu sẽ chạy trong đường hầm dài khoảng 2,4 km với các thông số kỹ thuật không thay đổi so với phương án đề xuất phê duyệt. Để đảm bảo kỹ thuật và an toàn trong vận hành khai thác, thiết kế tuyến hầm của đoạn này sẽ phải điều chỉnh bổ sung các hạng mục thông gió, làm mát không khí, lối thoát hiểm…
Chi phí xây dựng ước khoảng 250 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng một diện tích nhỏ (19 m2) chi phí khoảng 37 tỷ đồng, giảm so với phương án xây dựng ga C9 ban đầu 549 tỷ đồng. Kế hoạch vận hành cũng không phải thay đổi, thời gian chạy tàu mỗi chuyến tiết kiệm được khoảng 1 phút vì không phải dừng đỗ tại ga C9…
Song, bỏ ga C9 đồng nghĩa với việc bỏ trống hoàn toàn khu vực trung tâm bao gồm khu Phố Cổ, khu di tích Hồ Hoàn Kiếm, các cơ quan, công sở, trung tâm thương mại, khu dân cư… tại vùng phụ cận ra khỏi phạm vi phục vụ của đường sắt đô thị. Mà ở đây, nhu cầu đi lại của dân cư, người làm việc, khách thăm quan, mua sắm… rất lớn dẫn đến người dân vẫn phải sử dụng các phương tiện giao thông truyền thống nên làm cho hiệu quả chung của mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch đã được duyệt bị vô hiệu hóa trong các khu vực này.
Do sự bất tiện giữa khoảng cách đến các ga C8, C10 quá lớn, chỉ có một lượng nhỏ hành khách, khoảng 20% lượng hành khách trong dự báo ban đầu của ga C9, sẽ chuyển sang sử dụng ga C8 hoặc C10, còn lại khoảng 80% lượng hành khách không sử dụng đường sắt đô thị cho các nhu cầu đi và đến khu vực này, vẫn sử dụng phương tiện giao thông cá nhân truyền thống và sự lộn xộn, ách tắc, ô nhiễm môi trường của khu vực không thuyên giảm…
Như vậy, thiếu ga C9 sẽ làm hệ thống đường sắt đô thị, cụ thể là tuyến ĐSĐT số 2, sẽ mất tác dụng trong khu vực, không đạt được mục đích chính yếu của việc đầu tư xây dựng đường sắt đô thị trong khu vực này.
Quyết định bỏ không xây dựng ga ngầm C9 sẽ là một quyết định khó khăn vì trở thành một quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến mục tiêu, hiệu quả của dự án trong vòng đời hàng trăm năm, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sử dụng.
Theo ước tính, nếu xây dựng ga C9 ở giai đoạn sau sẽ lãng phí khoảng 1.200 tỷ đồng so với việc xây dựng ngay từ ban đầu theo cách tính hiện tại. Do đó, việc xây dựng nhà ga C9 trong quá trình vận hành khai thác không được các chuyên gia tư vấn khuyến nghị.