Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Tới dự phiên thảo luận có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Phát biểu tại đây, ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc thực hiện giải ngân đầu tư công, trong đó có nguyên nhân cán bộ sợ sai, không dám làm.
Theo ông Hạ, qua giám sát có thực trạng hiện nay có một số vấn đề, quy định pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất giữa cán bộ thi hành với người giám sát.
Ông Hạ dẫn chứng: Đối với việc xác định giá trị đất đai trong các vụ án, sai phạm, có những trường hợp xác định giá trị tại thời điểm khởi tố vụ án, nhưng cũng có quan điểm cần xác định giá trị thất thoát tại thời điểm xảy ra vụ việc. “Việc không thống nhất trong cách hiểu pháp luật chính là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ sợ sai, không dám làm. Do đó cần rà soát, nghiên cứu, đảm bảo thống nhất cách hiểu các văn bản pháp luật, đồng thời, trong công tác xây dựng pháp luật, cần sử dụng ngôn từ dễ hiểu để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, hiểu và tuân thủ pháp luật một cách nhất quán”-ông Hạ cho hay.
Theo ĐB Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông), qua kết quả rà soát của Chính phủ và đánh giá độc lập của các cơ quan của Quốc hội cho thấy về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều. Hầu hết các các nội dung còn lại qua rà soát được chỉ ra là có bất cập do được ban hành khá lâu, điều kiện kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định không còn phù hợp.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho biết, có nội dung được cho là vướng mắc, song thực chất là do nhận thức, do văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành đầy đủ hoặc chưa triển khai thực hiện đúng, nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của luật.
Ông Giang nói rằng, với gần 70 % nội dung được phát hiện có bất cập, vướng mắc trong luật và thuộc các dự án luật đã có ở trong chương trình, tại kỳ họp lần này cũng có rất nhiều nội dung đã được trình Quốc hội như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản. Trong các nội dung đó, các nội dung của văn bản dưới luật được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo và vướng mắc, bất cập có một số nội dung chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, có trường hợp chưa kịp thời cập nhật nội dung sửa đổi của các văn bản cơ quan nhà nước cấp trên.
Tuy nhiên, cũng có một số nội dung nhận định là chưa chính xác, một số nội dung vướng mắc, bất cập là do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và một số nội dung, một số nhận định là vướng mắc, bất cập nhưng thực chất là vấn đề quan điểm chính sách.
ĐB Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá, tuy có nhiều thách thức do tình hình quốc tế, nhưng tình hình kinh tế nước ta có nhiều dấu hiệu khả quan trong giai đoạn giữa và cuối năm. Các lãnh đạo trung ương, địa phương đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, đem lại hiệu quả tích cực, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Tuấn lo ngại còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế thời gian tới, tổng cầu thấp, tín dụng cho nền kinh tế khó đạt được kế hoạch đề ra, áp lực lên tỷ giá, lạm phát, lãi suất cao, khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm.
Trước tình hình trên, ông Tuấn cho rằng, nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển chúng ta có dư địa trong bội chi. Trong đó chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giải ngân được rất ít, còn dư nhiều. Bên cạnh đó sử dụng dư địa bội chi trong giai đoạn 2021-2025 để dành nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp bách như: y tế, giáo dục, các dự án giao thông quan trọng, để tăng trần đầu tư công cho giai đoạn mới.
Về điều chỉnh chính sách tài khóa nới rộng, ông Tuấn cũng chỉ ra việc các doanh nghiệp còn gặp lúng túng trong việc áp thuế, không biết các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình có trong diện được giảm thuế hay không. Để kích cầu nền kinh tế nên giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế thay vì chỉ giảm cho một số mặt hàng nhất định.
Để tháo gỡ điểm nghẽn trong tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, vị ĐBQH Đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên đang phát huy hiệu quả, nhưng mới chỉ áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn. Cần có cơ chế cho vay trung, dài hạn, vì những lĩnh vực ưu tiên này, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, kinh tế số là những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.