Vượt qua ám ảnh, chiến thắng ung thư

Đức Trân 19/03/2021 00:20

Trên thực tế, nhiều người khi mắc ung thư đã “tán gia bại sản”, “tiền mất, tật mang”... Những ám ảnh tâm lý, ám ảnh bệnh tật, ám ảnh vì chi phí điều trị tốn kém khiến kinh tế gia đình sụp đổ… đeo đẳng cuộc sống của người bệnh và gia đình họ.

Nhưng cũng có một thực tế, có nhiều người đã chiến thắng căn bệnh thế kỷ này, đã thoát "án tử" một cách ngoạn mục nhờ những nỗ lực vượt qua ám ảnh để chung sống, chiến thắng bệnh tật.

Nữ sinh Đặng Trần Thủy Tiên.

Tỷ lệ mắc mới ung thư đang gia tăng

Bên cạnh cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, một cuộc chiến khác cũng đang diễn ra và ngày càng trở lên khốc liệt hơn. Đó là cuộc chiến chống ung thư.

Theo thống kê của GLOBOCAN (dự án tập hợp dữ liệu của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế) năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Hiện nay, chỉ có 185/204 quốc gia có báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư theo GLOBOCAN. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185.

Tại Việt Nam, các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59.4% tổng các loại ung thư). Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.

Bình tĩnh và bản lĩnh trước bệnh tật

Có thể nhận thấy, cuộc chiến chống ung thư là một cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt. Và có một điều chắc chắn rằng nhân loại chưa một phút đầu hàng trong cuộc chiến này.

Tính từ năm 2010 đến nay, hàng trăm hoạt chất mới/dạng bào chế mới/chỉ định mới được FDA chấp thuận đưa vào sử dụng trong điều trị ung thư. Bên cạnh đó, những năm gần đây các phương pháp điều trị tân tiến, kỹ thuật và thuốc mới trong điều trị ung thư được nghiên cứu và tiến bộ vượt bậc.

Việt Nam cũng là quốc gia cập nhật rất nhanh các tiến bộ này. Nếu như trước đây, phải sau nhiều năm các thuốc mới mới được sử dụng trên bệnh nhân Việt Nam thì ngày nay khoảng cách này đã được rút ngắn lại. Đặc biệt, các kỹ thuật xạ trị hiện đại như VMAT, IMRT…; phẫu thuật nội soi, Robot, xạ phẫu Gamma Knife.. cũng đã được triển khai tại các trung tâm ung bướu trên cả nước.

Từ đó, rất nhiều người bệnh đã điều trị thành công, quay trở về cuộc sống thường ngày và truyền cảm hứng cho hàng ngàn người bệnh khác. Điển hình như nữ sinh Đặng Trần Thủy Tiên (Trường Đại học Ngoại thương), không may mắc bệnh ung thư vú, nhưng đã mạnh mẽ vượt qua để trở thành Hoa khôi truyền cảm hứng cho nhiều người. Tiên là một trong những minh chứng cho việc áp dụng kỹ thuật hiện đại, phác đồ tiên tiến để viết nên những kỳ tích trong ngành ung thư Việt Nam.

Tháng 6/2019, Đặng Trần Thủy Tiên - cô nữ sinh 19 tuổi phát hiện có cục hạch nhỏ bằng đầu ngón tay, cứng, di chuyển ở phần ngực. Tiên đi khám, bác sĩ kết luận là u xơ và chỉ định tiểu phẫu cắt u. Sau khi thực hiện cắt u, bác sĩ khuyên gửi hạch đi sinh thiết và khi nhận kết quả, Tiên không thể tin vào sự thật: “Em bị ung thư vú giai đoạn 2A - không sớm, không muộn nhưng không thể khẳng định có thể chữa khỏi hoàn toàn”.

Ngày 1/7/2019, Thuỷ Tiên được phẫu thuật cắt nửa ngực trái, tiếp đó là hành trình hóa trị kết hợp xạ trị. Mỗi tuần một lần, Thuỷ Tiên phải truyền hóa chất nên đã chủ động xin bảo lưu kết quả học tập tại Trường Đại học Ngoại thương để tập trung chữa bệnh. Trước khi phải truyền hóa chất, Thuỷ Tiên chủ động cạo trọc đầu, không để tóc tự rụng khi có hoá chất đi vào cơ thể.

Tháng 10/2019, Thuỷ Tiên quyết định tham gia thi “Duyên dáng Ngoại thương” dù đang trong quá trình điều trị. Tham gia một cuộc thi sắc đẹp, tài năng khi cơ thể đang yếu, đang tiếp nhận hoá chất và đặc biệt là tại vòng thi cuối cùng, Thuỷ Tiên để đầu trọc bước lên sân khấu, Thuỷ Tiên bộc bạch rằng: “Em tham gia cuộc thì vì chính em, em muốn vượt qua được chính mình”.

Vào ngày 28/10/2020, Thuỷ Tiên được nhận “Tấm bằng tốt nghiệp viện K”. Giờ đây, Thuỷ Tiên đã quay trở lại nhịp sống năng động của một cô sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, vừa đi học vừa đi làm và tham gia nhiều dự án hỗ trợ những bệnh nhân ung thư.

Không phải dấu chấm hết…

BSCKII Nguyễn Văn Tiến, chuyên gia hàng đầu về ung bướu chia sẻ: “Trên thế giới hiện nay người ta hay dùng cụm từ “cancer survivor” (người sống sót sau căn bệnh ung thư) để chỉ những người bệnh ung thư đã điều trị ung thư tích cực và vẫn sống nhiều năm sau điều trị. Tôi thích gọi họ là người chiến thắng căn bệnh ung thư hơn, vì tôi hiểu họ đã dũng cảm như thế nào để vượt qua căn bệnh này. Họ đã phải vượt qua những cung bậc cảm xúc từ lo lắng, giận dữ, cô đơn, tuyệt vọng… từ khi được chẩn đoán đến lúc điều trị. Họ phải vượt qua được nỗi sợ hãi khi chấp nhận mình mang căn bệnh ung thư và dũng cảm đối diện với nó; chiến thắng những đau đớn do bệnh tật và cả do việc điều trị mang lại để đi đến cùng và có một cơ hội được sống. Vâng, điều trị ung thư cần có một sự dũng cảm lớn lao từ người bệnh, và người thầy thuốc chỉ có thể điều trị nếu bệnh nhân cũng mong muốn điều đó và sẵn lòng để bác sĩ giúp mình”.

“Ung thư không phải dấu chấm hết”, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc bệnh viện K nhấn mạnh, “Các tiến bộ của y học ngày nay đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc có thể kéo dài thời gian sống thêm đáng kể, tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh”.

Một số loại bệnh ung thư có tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt quá 90%, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, như: Ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng...

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, bệnh ung thư ảnh hưởng đến cơ thể và cuộc sống của mỗi người bệnh theo các cách khác nhau và mỗi cá nhân cũng có cách riêng của mình để đương đầu với chúng. Theo thời gian, hầu hết mọi người sẽ tìm ra cách để ổn định, tiếp tục làm việc, thực hiện những sở thích và duy trì các mối quan hệ xã hội của mình, đồng thời sẽ thêm trân trọng cuộc sống, giữ cho mình trạng thái thể chất và tinh thần thật tốt để đương đầu và chiến thắng ung thư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vượt qua ám ảnh, chiến thắng ung thư