Ngày 21/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng chủ trì Hội nghị Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý.
Thị trường xuất khẩu đòi hỏi những thay đổi từ khâu nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, với EVFTA, kim ngạch xuất khẩn của Việt Nam sang thị trường này tăng khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, có đến 70,3% dòng thuế về 0%, 10 năm sau thì 99,7% dòng thuế về mức 0%. Nói về sự đóng góp của các ngành, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, nông nghiệp là lĩnh vực sẽ quyết định sự thành công trong việc hội nhập và phát triển của Việt Nam. Năm 2018 Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 27 thế giới về quy mô, sản phẩm. Riêng lĩnh vực nông thủy sản, Việt Nam đứng thứ 15.
Ông Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho hay, thời gian qua rất nhiều mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam đang xuất khẩu ra 185 nước trên thế giới. Sắp tới kim ngạch xuất khẩu trong ngành nông nghiệp gia tăng, thị trường mở rộng. Trong đó, các mặt hàng rau quả, cà phê, điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ,… chắc chắn có sự tăng trưởng vượt bậc. Do sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi, cơ bản xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Mặt hàng cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong tự nhiên, được xóa bỏ thuế ngay lập tức. Với ngành hàng thủy sản,50% số dòng thuế , xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực (hiện thuế suất phần lớn 6-22%); 50% số dòng thuế còn lại về 0% sau 3-7 năm. Đánh giá cao cơ hội xuất khẩu, song Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, cơ hội dành cho xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam rất lớn nhưng thách thức cũng không ít buộc doanh nghiệp (DN) thay đổi để vượt qua.
Đề cập đến vấn đề phòng vệ thương mại bằng các rào cản kỹ thuật, ông Lê Triệu Dũng- Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) bày tỏ quan ngại, mặt hàng tôm Việt Nam đã bị EU thẩm tra, Hoa Kỳ đang điều tra. Vì vậy DN nên thận trọng, đảm bảo hàng hóa xuất khẩu vào thị trường các nước đạt chuẩn về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Dũng cho rằng: Không phải chỉ DN nào vi phạm thì DN đó gánh hậu quả áp thuế cao. Một DN bị điều tra, áp thuế suất cao sẽ ảnh hưởng đến toàn DN trong ngành.
Quan ngại về hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu, ông Đỗ Hà Nam- Chủ tịch HĐQT Công ty Intermex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, đáng lo nhất vẫn là hóa chất có trong sản phẩm nông nghiệp. Cần phải thay đổi sử dụng loại phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thay đổi phương thức nuôi trồng. Về phía cơ quan chức năng, cần có chính sách chung để biết được những loại hóa chất nào được sử dụng, ngăn chặn hóa chất không đảm bảo. Nếu không ngăn chặn, sản phẩm xuất khẩu mà bị trả về, DN sẽ rất khó khăn.
Về vấn đề này, theo Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ NNPTNT đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp tăng cường quản lý nhà nước. Sẽ tiến hành theo dõi, giám sát những mặt hàng dễ bị điều tra, đưa ra danh mục cảnh báo sớm… “DN cần lên chiến lược bài bản tổ chức tốt nhất theo chuỗi sản xuất từ nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu. 8,6 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ phải liên kết thành chuỗi nhằm đảm bảo hàng có giá trị cạnh tranh cao, đảm bảo phát triển bền vững không có rủi ro”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.