Sáng 8/6, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) với đa số phiếu tán thành. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thông qua EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường gần 500 triệu dân đầy tiềm năng, người dân có cơ hội tiếp cận hàng hóa giá rẻ, chất lượng cao... Song, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, dù EVFTA là “đường cao tốc” để tiếp cận thị trường EU, nhưng không hề miễn phí.
EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm.
Đúng là không có gì miễn phí cả. Khi EVFTA có hiệu lực thi hành, cả Việt Nam và EU sẽ tiến hành bãi bỏ hàng rào thuế quan có lộ trình. Theo đó, doanh nghiệp của cả hai bên đều có cơ hội như nhau để tiếp cận thị trường của đối tác. Lúc đó, các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh một cách sòng phẳng, công bằng. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không biết nắm bắt cơ hội, để doanh nghiệp EU lấn lướt thì sẽ thua lấm lưng trắng bụng trên chính sân nhà. Đó chính là “học phí” phải trả khi ra nhập sân chơi lớn.
Tất nhiên, với EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam có chút lợi thế hơn, bởi lộ trình cắt giảm thuế quan của chúng ta chậm hơn một chút so với EU. Cụ thể, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực thi hành, EU sẽ cắt giảm 85,6% số dòng thuế nhập khẩu vào thị trường này. Sau 7 năm, sẽ có 99,2% số dòng thuế hàng hóa nhập khẩu vào EU được cắt giảm. Số còn lại EU cam kết cấp hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu bằng 0% trong hạn ngạch. Về phía Việt Nam, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực thi hành sẽ cắt giảm 48,5% số dòng thuế, sau 7 năm sẽ cắt giảm 98,3% số dòng thuế nhập khẩu vào Việt Nam...
Điều đó có nghĩa, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực thi hành, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu, sau 7 năm sẽ có 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được xóa thuế nhập khẩu hàng hóa vào thị trường EU. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa bởi EU là một trong hai thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản; nhóm ngành chế biến, chế tạo; nhóm ngành dịch vụ. EVFTA cũng giúp đa dạng hóa thị trường Việt Nam, không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường. Đồng thời, hiệp định có tác dụng như đòn bẩy kích thích đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam.
Song, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dù mở ra nhiều cơ hội nhưng EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt khi Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU. Trong khi đó ở chiều ngược lại, EU là một trong những thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng hàng hóa cao nhất trên thế giới. Do vậy, dù các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn đôi chút so với các doanh nghiệp EU không có nghĩa sẽ “thắng”, nếu không biết chắt chiu giành giật cơ hội.
Hiện, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế khả năng cạnh tranh, quy mô, vốn đầu tư nhỏ, khả năng công nghệ, năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu... Với những mặt yếu cố hữu đó, nếu không kịp thời khắc phục vươn lên trong thời gian sớm, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tụt hậu, bị doanh nghiệp EU lấn lướt, chiếm hết thị phần ngay chính trên sân nhà. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chất lượng thấp, giá thành cao sẽ không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp EU.
Với sự lo lắng đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam: Việc bước qua được các rào cản thuế quan (xóa thuế nhập khẩu gần 100% hàng hóa vào thị trường EU) không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam đương nhiên vào được thị trường EU. Các doanh nghiệp còn phải vượt qua được hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt. Bởi lẽ, EU có nhiều quy định khắt khe không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó.
Chẳng hạn, không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép, vấn đề an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh phải đảm bảo... Điều đó đã được minh chứng từ thực tế khi chúng ta từng bị EU rút thẻ vàng cảnh cáo đối với mặt hàng thủy sản do có nguồn gốc đánh bắt không rõ ràng. Ngoài ra, còn rất nhiều rào cản về kiểm dịch động thực vật, chống bán phá giá, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn về lao động, môi trường... của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. Hàng rào thuế quan đã dỡ bỏ, nhưng vượt qua hàng rào phi thuế quan không dễ.