Sau khi đã vươn tới quy mô hơn 3.000 điểm bán, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Tổng hợp WinCommerce mới đây đặt mục tiêu mở thêm từ 800 - 1.200 cửa hàng ở khu vực thành thị, nông thôn. Trong khi đó, nhiều “ông lớn” ngoại quốc trong ngành bán lẻ phải rời cuộc chơi.
Bán lẻ nội chiếm 70 - 80% điểm bán
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cả nước hiện có khoảng 1.100 siêu thị, 240 TTTM và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, các nhà bán lẻ nội địa chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước.
Với sự phát triển từng bước vững chắc, doanh nghiệp bán lẻ nội địa có động thái liên tục tăng vốn đầu tư, nâng cấp mở rộng chuỗi để tăng trải nghiệm mới cho người tiêu dùng.
Trong đó, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Tổng hợp WinCommerce đặt mục tiêu mở thêm từ 800 - 1.200 cửa hàng ở khu vực thành thị, nông thôn.
Đơn vị này cũng dự kiến sẽ đạt doanh thu thuần khoảng 36.000 - 40.500 tỷ đồng trong năm 2023, tăng từ 23 - 38% so với năm 2022.
Thay vì mở rộng cửa hàng để tăng thị phần, năm 2023, hệ thống Saigon Co.op đặt mục tiêu doanh số tăng trưởng 4% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp này cũng triển khai nhóm nhiệm vụ trọng tâm là cải tổ sâu và mạnh mẽ chiến lược hàng hoá, chiến lược giá, nâng cao lợi thế cạnh tranh, số hoá trong hoạt động quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản trị, đẩy mạnh, đa dạng hoá thương mại điện tử.
Khảo sát người tiêu dùng của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 mới công bố cho thấy, vẫn có xu hướng chuyển dịch “cơ học” khách hàng từ chợ truyền thống hay các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại ở các đô thị. Kênh bán lẻ hiện đại đang cho thấy có hấp lực lớn đối với người tiêu dùng mua sắm nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Bên cạnh đó, mua sắm đa kênh vẫn đang là xu hướng thịnh hành hiện tại cũng như trong tương lai. Người tiêu dùng hiện nay đang có xu hướng lựa chọn mua sắm thông qua sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ ngoại rời cuộc chơi
Cụ thể, Parkson Việt Nam đã chính thức nộp đơn lên TAND TP HCM xin phá sản với lý do hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài. Phá sản là "cách tốt nhất vì việc tiếp tục hoạt động tại Việt Nam là không khả thi về mặt kinh tế".
Báo cáo của tập đoàn này gửi Sở Giao dịch chứng khoán Singapore, nơi cổ phiếu của Parkson Retail được niêm yết, cho biết Parkson Việt Nam có lịch sử hoạt động thua lỗ nhiều năm tại Việt Nam.
Những khoản lỗ ngày càng tăng trong bối cảnh kinh doanh đầy thách thức do hậu quả của đại dịch Covid-19. Năm 2022, hoạt động của Parkson tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ lên đến 2,3 triệu đô la Singapore (khoảng 1,7 triệu USD).
Trước đó, năm 2021, trung tâm thương mại (TTTM) Lotte Mart Đống Đa lớn nhất tại Hà Nội của tập đoàn bán lẻ đến từ Hàn Quốc cũng đóng cửa. Lotte Mart từng tuyên bố mở rộng 60 siêu thị lớn tại Việt Nam, nhưng sau 15 năm, đến nay chỉ có 14 siêu thị.
Tương tự, siêu thị Emart vốn là thương hiệu bán lẻ hàng đầu đến từ xứ sở kim chi, sau hơn 5 năm kinh doanh ở Việt Nam cũng dừng lại và chuyển nhượng toàn bộ vốn cho Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) vào cuối tháng 5/2021.
Khi chính thức khai trương đại siêu thị Emart Gò Vấp (TP HCM) vào cuối năm 2015, đại diện nhà bán lẻ Hàn Quốc này cũng tự tin sẽ nhanh chóng mở điểm bán thứ 2 và nhiều điểm khác nữa, nhưng rồi cũng vẫn chỉ dừng lại ở một điểm duy nhất.
Trước dịch Covid-19 bùng phát, Auchan - một ông lớn bán lẻ đến từ Pháp - vào Việt Nam giữa năm 2018, đã bán lại toàn bộ hệ thống siêu thị tại Việt Nam cho Liên hiệp HTX thương mại TP HCM (Saigon Co.op), kết thúc hành trình 4 năm xây dựng và phát triển tại Việt Nam trước đó.
Auchan từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD với tham vọng mở 300 siêu thị và cửa hàng tại Việt Nam, nhưng rồi cũng rời sân chơi bán lẻ Việt Nam rất sớm.
Có thể thấy, sự tăng tốc mở rộng một cách âm thầm, vững chãi của các nhà bán lẻ nội địa trong thời gian ngắn thực sự đáng nể, cho thấy chiến lược và cách vận hành đúng đắn, cũng như sự phát triển đa kênh, đa lĩnh vực là hợp lý trong thời điểm hiện tại ở Việt Nam.