Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua, nhiều đại biểu hoan nghênh chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK); việc biên soạn SGK không cần dùng ngân sách nhà nước mà vẫn có nhiều bộ sách chất lượng. Dẫu thế, băn khoăn lớn nhất đang đặt ra lúc này là xã hội hóa nhưng giá SGK không tăng cao quá, làm sao cho phù hợp với điều kiện của đại đa số gia đình học sinh.
Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Cần thiết xã hội hóa
Theo quan điểm của GS Nguyễn Minh Thuyết-Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đến thời điểm này có thể nói chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK đã chứng tỏ được tính đúng đắn, và Bộ GDĐT không nên chi gần 400 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để biên soạn thêm một bộ SGK.
Theo phân tích của ông, hiện đã có 5 bộ SGK lớp 1 của các môn học bắt buộc và 7 quyển SGK “Làm quen với tiếng Anh” lớp 1 (môn học tự chọn) được phê duyệt. Thời điểm xây dựng, ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, có thể Quốc hội chưa thật yên tâm về khả năng thành công của chủ trương xã hội hóa SGK. Vì đây là một chủ trương mới, nên trong khi quy định thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, Nghị quyết đồng thời cũng có thêm nội dung: Để chủ động triển khai chương trình GDPT mới, Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, thay vì nhà nước bỏ tiền ra làm SGK như trước kia, nay chúng ta huy động được các tổ chức và đông đảo chuyên gia tham gia biên soạn SGK. Sự cạnh tranh giữa các bộ sách cũng sẽ tạo một cuộc đua giữa các nhóm tác giả, các nhà xuất bản (NXB), và đó là yếu tố quan trọng để mỗi tổ chức, cá nhân biên soạn SGK dồn nhiều tâm huyết hơn để nâng cao chất lượng bộ sách của mình.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan- nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng dùng ngân sách để làm thêm 1 bộ GSK riêng là không cần thiết, nên rút lại ngân sách để đầu tư cho các hoạt động khác. Cá nhân bà cho rằng, cả 5 bộ SGK được Bộ GDĐT thẩm định đều đạt yêu cầu. Tất nhiên, không có gì hoàn hảo ngay từ đầu, các thành viên tham gia đã cố gắng tối đa, còn chất lượng, hiệu quả, tác động đến đâu, thực tiễn sẽ trả lời. Theo bà, sau này, khi thử thách vào thực tiễn, chúng ta phải đợi và không ai cấm Bộ GDĐT chỉnh sửa, bổ sung nếu thấy chưa hợp lý. Cái chính là không đặt SGK là quan trọng nhất, nên giáo viên, nhà trường hoàn toàn có quyền chọn cái gì tốt, phù hợp nhất để đưa vào giảng dạy.
Bù giá hay không?
Thời gian qua, vấn đề giá SGK mới cao hơn gấp nhiều lần so với SGK hiện hành đang là mối quan tâm của dư luận. Giá 5 bộ SGK lớp 1 mới được kê khai đều tăng. Cụ thể, mức giá 4 bộ SGK mới của NXB Giáo dục Việt Nam dao động từ 179.000 đến 194.000 đồng/bộ. Bộ “Cánh diều” của NXB ĐH Sư phạm có giá kê khai là 199.000 đồng/bộ. So sánh với SGK lớp 1 đang được sử dụng trong năm học 2019-2020 (54.000 đồng/bộ) của NXB Giáo dục Việt Nam, rõ ràng, giá sách mới cao gấp 3-4 lần. Cùng với đó, các NXB cũng kê khai giá SGK tiếng Anh (môn học tự chọn) theo chương trình GDPT mới từ 45.000 đến 99.000 đồng/cuốn. Nếu trường nào chọn môn học này để giảng dạy ở lớp 1 thì trung bình một bộ SGK lớp 1 mới có giá từ 250.000 đến 300.000 đồng.
Theo phân tich của GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký, kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, vấn đề trước mắt với bộ SGK mới đang thực hiện, cần phải có cơ chế tính lại giá, không thể chạy theo những lý do mà các NXB đưa ra để đồng ý ngay được. Cần phải căn cứ cụ thể mức giá đó được các NXB tính toán như thế nào, mức giá họ đưa ra bằng bao nhiêu % chi phí họ biên soạn, xuất bản ra ngoài thị trường. Thậm chí, cần phải tiến hành đấu giá để phù hợp với chủ trương, tránh việc các NXB lợi dụng chính sách xã hội hóa SGK mà tăng giá vô tội vạ, ảnh hưởng tới người tiêu dùng, đi ngược với chủ trương khuyến học của Việt Nam.
Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trên, liên quan đến việc Bộ GDĐT biên soạn một bộ SGK, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến, thực tế cho thấy đối với xã hội hóa thì phần chi phí trả cho tác giả biên soạn SGK sẽ cao hơn nhà nước chi trả. Do đó, bộ sách Bộ GDĐT tổ chức biên soạn sẽ không hấp dẫn được tác giả. Đây là vấn đề thực tế khách quan. Nghị quyết ban đầu muốn có bộ sách chuẩn, sau đó sẽ xã hội hóa biên soạn SGK. Nhưng giờ chúng ta làm xã hội hóa trước, rất tích cực, rất đáng hoan nghênh và đáng khen, khi không dùng ngân sách nhà nước mà vẫn có nhiều SGK chất lượng cho chương trình GDPT mới.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, điều cần quan tâm hiện nay là, kiểm soát để giá SGK không cao quá, phải đảm bảo theo mặt bằng thu nhập của người dân. Đồng thời, cần hỗ trợ đối với học sinh vùng cao, các em có hoàn cảnh khó khăn.