Giáo dục

Sách giáo khoa: Xã hội hóa chứ không thương mại hóa

Nguyễn Hoài (thực hiện) 21/11/2024 14:55

Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên sau thời gian thực hiện, SGK luôn thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, nhất là về giá thành và chất lượng sách.

PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) về sự thay đổi, điều chỉnh trong giá thành, chất lượng SGK sau 5 năm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

PV: Từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) bắt đầu đưa bộ SGK mới vào chương trình giảng dạy trên cả nước đối với lớp 1. Ông hãy cho biết điểm khác biệt của quy trình biên soạn, xuất bản SGK Chương trình GDPT 2018 so với trước kia như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng: Điểm khác biệt lớn nhất giữa SGK theo chương trình mới so với giai đoạn trước là có nhiều bộ SGK được tổ chức biên soạn, thẩm định và đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông thay vì chỉ có 1 bộ SGK được sử dụng thống nhất trên cả nước.

Về quá trình biên soạn, xuất bản, SGK trước đây đều do Bộ GDĐT xây dựng đội ngũ tác giả, tổ chức biên soạn, dạy thí điểm, tập huấn giáo viên; NXB chỉ thực hiện từ khâu biên tập, xuất bản, in và phát hành.

Ảnh ô.Tùng
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập NXBGDVN.

Với SGK chương trình 2018, các NXB/đơn vị tổ chức biên soạn phải thực hiện toàn bộ các khâu từ xây dựng đội ngũ tác giả, tổ chức biên soạn, biên tập; tổ chức thực nghiệm; giới thiệu, tập huấn giáo viên; xuất bản, in và phát hành. Và các đơn vị xuất bản phải chịu toàn bộ các chi phí liên quan đến cả quá trình này.

Bên cạnh đó, trước đây do chỉ có 1 bộ SGK nên không phải thực hiện công đoạn giới thiệu sách. Khi thực hiện xã hội hóa SGK thì các NXB phải tự tổ chức giới thiệu sách tới giáo Viên, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc bằng nhiều phương thức khác nhau.

Việc cung ứng sách cũng phức tạp hơn do các địa phương không lựa chọn SGK theo bộ mà lựa chọn theo môn học. Các trường học có thể lựa chọn sách từ nhiều bộ khác nhau. Do đó các đơn vị xuất bản cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình cung ứng SGK theo nhu cầu riêng của từng trường.

Thưa ông, các nhà xuất bản có vai trò, đóng góp như thế nào đối với sự thành công của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK hiện nay?

- Sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, tổ chức, doanh nghiệp xuất bản SGK là yếu tố quyết định sự thành công của chủ trương xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa việc biên soạn SGK. Tài liệu học tập phong phú, có chất lượng tốt về nội dung và hình thức, góp phần đắc lực thúc đẩy sự phát triển giáo dục nước nhà.

NXBGDVN có gần 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản SGK. Hiện, NXBGDVN có 2 trong số 3 bộ SGK biên soạn theo chương trình 2018 là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo, gồm đầy đủ sách của các môn học, hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12. Các bộ SGK của NXBGDVN được đa số các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc sử dụng và đánh giá cao.

Đây là minh chứng cho thấy NXBGDVN đã có những đóng góp tích cực vào sự thành công của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Để đảm bảo mọi học sinh được tiếp cận đủ, đúng thời gian và đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thời gian qua, NXBGDVN đã có sự điều chỉnh gì về giá thành, chất lượng sách, thưa ông?

- Thời gian vừa qua, NXBGDVN đã nỗ lực hết mình trong việc xem xét, cân đối và điều chỉnh về giá SGK.

Trước khi nói về việc điều chỉnh giá, tôi xin thông tin một chút về cơ cấu giá SGK và lý do vì sao giá SGK mới (theo chương trình 2018) cao hơn giá SGK cũ (theo chương trình 2000).

Giá SGK được cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó về cơ bản tập trung vào các yếu tố sau: Chi phí tổ chức bản thảo; chi phí nhuận bút; chi phí sản xuất như giấy in, công in…; các chi phí khâu lưu thông (hay còn gọi là chi phí phát hành); chi phí tài chính (hay còn gọi là lãi vay).

Thời gian vừa qua, dư luận cho rằng NXBGDVN lãi lớn từ SGK nhưng trên thực tế, lợi nhuận từ SGK là có nhưng lãi ít. Toàn bộ nguồn vốn sản xuất kinh doanh của NXBGDVN hiện nay hầu hết vốn vay ngân hàng. Lợi nhuận của NXBGDVN chủ yếu có được từ các loại sách khác (như sách bổ trợ, sách tham khảo) vốn là loại sách mà bất cứ đơn vị xuất bản nào cũng được tham gia làm.

Mặc dù lợi nhuận thu được từ SGK là rất thấp, song thực hiện chỉ đạo của các cấp quản lý, đồng thời xác định trách nhiệm của một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ GDĐT, NXBGDVN xác định việc hỗ trợ giáo viên, học sinh và đảm bảo an sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng nhất. Vì vậy, từ năm học 2024-2025, NXBGDVN đã thực hiện điều chỉnh giảm giá SGK.

Về việc nâng cao chất lượng SGK, NXBGDVN đã có sự chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng, nghiêm túc trong việc triển khai biên soạn SGK phục vụ đổi mới giáo dục theo Nghị quyết của Quốc hội. SGK của NXBGDVN được đánh giá là có nhiều đổi mới, hấp dẫn, giúp giáo viên chủ động, sáng tạo trong phương pháp dạy học, đáp ứng được yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Sự đổi mới trong cách tiếp cận, phương pháp dạy học là một bước tiến quan trọng, là xu hướng tất yếu của SGK hiện đại.

Học sinh tìm mua sách giáo khoa cho năm học mới.
Học sinh tìm mua SGK cho năm học mới.

Theo ông cần có những cơ chế, chính sách gì để quá trình xã hội hoá SGK được hiệu quả?

- Hiện nay quy định của pháp luật đối với các loại hình doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức xuất bản-in-phát hành SGK khác nhau nên tạo nên cơ chế cạnh tranh không bình đẳng. Các doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty cổ phần được quyền chủ động tổ chức sản xuất, chủ động mua sắm vật tư, dịch vụ in trực tiếp mà không phải thực hiện các quy trình, thủ tục đấu thầu như doanh nghiệp Nhà nước nên thời gian, tiến độ thực hiện rất ngắn gọn, chủ động, tạo ưu thế cạnh tranh hơn doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước có chế độ, chính sách bình đẳng đối với các NXB trong hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK.

Vậy theo ông, ngành giáo dục cần làm gì để nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của xã hội hóa SGK trong đổi mới giáo dục?

- Chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK là quan điểm tiến bộ. Sự đột phá này làm thay đổi chất lượng cũng như diện mạo của giáo dục Việt Nam, nên cần quyết tâm, kiên định, vượt khó để triển khai. Vì vậy, cần phải chủ động tuyên truyền rộng rãi tính ưu việt của chủ trương một chương trình có nhiều SGK và những bất cập khi chỉ có 1 bộ SGK.

Quản lý chuyên môn thực chất phải bằng chương trình chứ không phải là SGK. Việc thi cử được thực hiện theo yêu cầu cần đạt của chương trình.

Chương trình là yếu tố tĩnh, SGK được hiểu là yếu tố động. Giáo viên sẽ lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện, phương pháp giảng dạy để truyền thụ kiến thức cho học sinh. Đây được xem như độ mở sáng tạo cho giáo viên và học sinh khiến tình trạng thầy đọc – trò chép, dạy thêm học thêm, bài tập về nhà chồng chất sẽ dần loại bỏ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa: Xã hội hóa chứ không thương mại hóa