Giáo dục

Chọn ngữ liệu môn ngữ văn ngoài sách giáo khoa: Đổi mới phải phù hợp với học sinh

Thu Hương 06/11/2024 10:59

Việc chọn ngữ liệu môn Ngữ văn ngoài sách giáo khoa khi kiểm tra, đánh giá khiến giáo viên và học sinh tự do sáng tạo, hạn chế học vẹt, học tủ nhưng đòi hỏi giáo viên phải đầu tư thời gian tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng để không đánh đố học sinh nhưng cũng không hời hợt, dễ dàng, không phân loại được học sinh.

anh bai chinh
Tiết học Ngữ văn tại Trường THCS Thống Nhất (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Theo công văn hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có một số yêu cầu vấn đề cụ thể đối với việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn. Đó là các trường THCS và THPT cần tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ.

Ngoài ra, việc đánh giá cần phải thực hiện theo đúng quy định, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình, tăng cường việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập...

Bên cạnh đó, các trường cũng cần tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.

Vừa qua, đề văn giữa học kỳ I của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TPHCM) nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội khi đề cập đến một vấn đề rất thời sự. Đề văn cũng gây bất ngờ bởi sự ngắn gọn, yêu cầu học sinh viết bài nghị luận về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay. Nhiều học sinh bày tỏ sự thích thú và cho biết vấn đề này dễ khơi gợi cảm xúc, dễ bày tỏ góc nhìn cá nhân và việc lấy dẫn chứng rất sinh động từ việc một số người photoshop biên lai, khai ảo tiền quyên góp cứu trợ bão Yagi, trào lưu sống ảo khoe cuộc sống sang chảnh nhưng thực chất là “nhà đi mượn, xe đi thuê”…

Cô Hoàng Thị Tú Anh - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Việt Nam Ba Lan (Hà Nội) đánh giá đề thi có tính thời sự, nhanh nhạy nắm bắt các khía cạnh của đời sống xã hội với hiện tượng mang tính nổi cộm được giới trẻ đặc biệt quan tâm thời gian vừa qua. Ngữ liệu rất đời sống sẽ không làm khó học sinh nhưng vẫn đảm bảo phân loại được học sinh khi có ý tưởng, dẫn chứng thuyết phục, hành văn mạch lạc, trôi chảy. “Đề thi gắn với chủ đề mới mẻ, thực tiễn xuất hiện theo hướng thay đổi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đó là mang bài học vào cuộc sống. Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT cũng có những thay đổi giúp học sinh phát huy năng lực, tự do sáng tạo” – cô Tú Anh nói.

Bên cạnh đó, về mặt chuyên môn, một số ý kiến góp ý rằng khi đưa vào đề thi, cần có sự giải thích rõ ràng về các thuật ngữ, đặc biệt là các thuật ngữ mới xuất hiện, chưa có trong Từ điển tiếng Việt để tránh gây hiểu lầm hoặc gây tranh cãi về mức độ đọc hiểu của đề thi. Cấu trúc đề thi so với đề thi giữa kỳ thông thường cũng có thay đổi khi chưa có phần tiếng Việt để kiểm tra đầy đủ năng lực của học sinh. Thời gian làm đề cũng ngắn hơn so với quy định của Thông tư 22 về đánh giá học sinh THCS và THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu bài đánh giá định kỳ với các môn trên 70 tiết/năm là từ 60 - 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút trong khi đề thi này chỉ kéo dài 45 phút.

Từ đây, các chuyên gia cho rằng giáo viên có thể linh hoạt trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh xong vẫn đánh giá một cách toàn diện theo yêu cầu đặt ra của môn học. Việc lựa chọn ngữ liệu cần cẩn trọng là điều đã được nhấn mạnh nhiều lần từ cơ quan quản lý, các chuyên gia giáo dục. Song trong thực tế, vẫn có thể có những sai sót có thể xảy ra bởi với ý kiến chủ quan của mình, giáo viên có thể vô tình lựa chọn ngữ liệu không phù hợp như mang yếu tố phản cảm hoặc quá dễ dàng, hời hợt, quá cao siêu…

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh - giáo viên Ngữ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) góp ý, khi thầy và trò không bị quẩn quanh bởi một vài văn bản trong sách giáo khoa sẽ có lợi cho sự sáng tạo, hạn chế được tình trạng “thầy đoán đề, trò học tủ”, tình trạng học vẹt, học thuộc lòng… Quan trọng là khi chọn ngữ liệu cần chú ý kỹ là không lựa chọn theo sở thích của thầy cô mà phải lựa chọn phù hợp với học sinh. Theo đó ngữ liệu lựa chọn phải mạch lạc, sáng rõ, vừa sức, phù hợp với lứa tuổi, đảm bảo được thuần phong mỹ tục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chọn ngữ liệu môn ngữ văn ngoài sách giáo khoa: Đổi mới phải phù hợp với học sinh