Theo ý kiến của cử tri tỉnh Phú Thọ, tiêu chí quy định hộ nghèo đa chiều như hiện nay chưa phù hợp với thực tế. Tiêu chí gia đình có ti vi, điện thoại và người lớn tuổi không còn sức lao động thì được xét thoát nghèo; trong khi tiêu chí gia đình có con bò để chăn nuôi, cải thiện thu nhập thì lại được xét thuộc đối tượng gia đình nghèo hoặc cận nghèo
Cử tri tỉnh Phú Thọ đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét điều chỉnh lại một số tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo trong Quyết định sổ 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ; xem xét, điều chỉnh lại các tiêu chí rà soát hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí đa chiểu để điều chỉnh thời gian hưởng hộ nghèo cho phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở, tránh tình trạng mất công bằng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Trước đây, việc xác định hộ nghèo ở Việt Nam được thực hiện theo phương pháp đo lường đơn chiều thông qua việc xác định, tính toán mức thu nhập bình quân đầu người/tháng của các hộ gia đình. Tuy nhiên, việc đo lường nêu trên đã thể hiện nhiều bất cập như: Chưa xác định hoặc xác định chưa chính xác các khoản chi tiêu trong năm của hộ gia đình, mức thu nhập bình quân đầu người/tháng đưa ra để xác định hộ nghèo đã không còn phù hợp với thực trạng kinh tế-xã hội của đất nước, bên cạnh đó việc xác định theo tiêu chí cũ bỏ sót đối tượng không nghèo về thu nhập nhưng lại thiếu hụt các khía cạnh khác như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tiếp cận thông tin...
Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Ngoài thu nhập được ước lượng thông qua đặc điểm tài sản hộ gia đình, còn tính đến việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.
Việc xác định hộ nghèo sẽ dựa trên kết quả chấm điểm tài sản của hộ gia đình (thông qua mẫu phiếu B để tính điểm B1 - ước lượng thu nhập thông qua tài sản, B2 - xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản), đây là phương pháp ước lượng thu nhập dựa trên cơ sở đánh giá 14 nhóm đặc điểm của hộ gia đình, trong đó có xem xét giá trị sử dụng tài sản của hộ gia đình liên quan đến tạo thu nhập (không đánh giá giá trị, nguồn gốc của tài sản).
Việc quy định các chỉ tiêu, mức cho điểm để đánh giá tài sản, ước lượng mức thu nhập của hộ gia đình do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng dựa trên kết quả thống kê, khảo sát mức sống hộ gia đình của các vùng trên toàn quốc do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện; các chỉ tiêu, mức điểm cho từng chỉ tiêu được Tổng cục Thống kê nghiên cứu, xây dựng chặt chẽ, khoa học, logic, dựa trên những yếu tố chung nhất của từng vùng, phù hợp với những đặc điểm cơ bản của các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn, dễ thực hiện và xác minh đúng thực trạng của hộ gia đình, khắc phục được những khó khăn khi thực hiện theo phương pháp cũ trong giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, sẽ vẫn còn có những trường hợp đặc thù, cá biệt mà Bộ công cụ và quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm chưa thể phản ánh đúng thực trạng của hộ gia đình. Do đó, cần đến sự tham gia của cán bộ cơ sở (cấp xã và thôn, bản...) và đại diện các hộ gia đình trên địa bàn trong quá trình thống nhất kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm tại cơ sở (đã được quy định tại Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).
Ngoài ra, Thông tư hướng dẫn các địa phương có thể xin ý kiến chỉ đạo thống nhất của Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh để điều chỉnh quy định về nhận diện, đánh giá tài sản của các hộ dân trên địa bàn theo các đặc thù của địa phương.