Từ ngày 1/1/2016 lao động đi làm việc ở nước ngoài bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội ( BHXH). Đây được xem là một trong những quy định đem lại nhiều lợi ích cho người lao động, song do thiếu sự tuyên truyền nên phần lớn người lao động cũng như doanh nghiệp đón nhận quy định này với tâm lý lo ngại “phí chồng phí”.
Bắt buộc tham gia BHXH sẽ giúp người lao động đi làm việc ở nước ngoài ổn định cuộc sống sau này.
Người lao động được hưởng lợi
Theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH mới được Chính phủ ban hành, người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc kể từ ngày 1/1/2016.
Theo đó, đối tượng áp dụng thuộc các nhóm gồm hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, với tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...Như vậy, bất kể lao động Việt Nam có đóng hay không đóng BHXH trước đó khi rời khỏi Việt Nam đều phải đóng BHXH bắt buộc.
Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH) bà Trần Thị Thúy Nga cho biết, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện là một chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, quy định hướng người lao động đến việc tích lũy tiền đóng BHXH khi còn trẻ, để sau này khi về già họ sẽ được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống.
Cũng theo bà Nga việc thu BHXH với lao động đi làm ở nước ngoài không phải mới, chỉ mở rộng đối tượng tham gia. Nếu như trước đây những lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tham gia BHXH trong nước nhưng chưa nhận BHXH 1 lần, sẽ phải tiếp tục tham gia, Luật BHXH 2014 mở rộng thêm đối tượng đi làm ở nước ngoài nhưng trước đây chưa tham gia BHXH trong nước, từ năm 2016.
Nhiều băn khoăn
Rõ ràng quy định trên đem lại lợi ích cho người lao động, song ngay khi quy định trên có hiệu lực, cả người lao động và doanh nghiệp đều chung tâm trạng lo lắng. Cụ thể tại Điểm a, Khoản 2, Điều 85 Luật BHXH (sửa đổi) quy định về mức đóng của người lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc là 22% của 02 lần mức lương cơ sở; phương thức đóng là 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn hợp đồng.
“Với mức lương cơ sở hiện hành là 1.150.000 đồng/tháng, theo quy định của Luật, một tháng có mức đóng là 506.000 đồng/tháng. Người lao động khi thực hiện phương thức đóng 03 tháng, sẽ nộp 1.518.000 đồng; hoặc đóng trước một lần theo thời hạn hợp đồng 36 tháng với tổng số tiền là 18.216.000 đồng (chiếm khoảng 3,6% thu nhập ròng của người lao động). Câu hỏi đặt ra là nếu trong thời gian người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà Chính phủ điều chỉnh lương cơ sở, thì người lao động đã đóng trước có phải truy thu mức đóng chênh lệch do tiền lương cơ sở tăng không?” – anh Nguyễn Quốc Hưng – Hà Nội băn khoăn.
Mặc dù đánh giá quy định bắt buộc lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đóng BHXH có nhiều điểm ưu việt song chuyên gia BHXH Nguyễn Văn Tư cũng thừa nhận: Quy định trên mới chỉ đứng ở góc độ chính sách, pháp luật còn quá trình triển khai thực hiện như thế nào vẫn còn là khoảng cách. Bởi về nhận thức của người lao động thì họ có sẵn sàng đóng không? Hơn nữa để quy định trên triển khai có hiệu quả cần phải được quy định ngay trong luật đưa người lao động đi làm. Trong mẫu hợp đồng đưa lao động đi làm việc hiện nay mục này vẫn đang để tự do, không bắt buộc.
Trên thực tế, quy định bắt buộc lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đóng BHXH đã có từ năm 1995 tại Nghị định 07/CP ngày 20/1/1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tiếp đến Luật BHXH năm 2006 và Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng quy định khá chi tiết về vấn đề này.
Song theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả hai giai đoạn này số lao động đi làm việc ở nước ngoài tham gia đóng BHXH đạt rất thấp. Nguyên nhân do cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan tổ chức thực hiện thiếu sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện chính sách này đối với chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hệ thống số liệu thống kê về tình hình tham gia BHXH đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được cập nhật, phân tích đầy đủ.
Từ thực trạng trên cho thấy, ngành chức năng cần phải chủ động bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn dưới Luật liên quan tới BHXH bắt buộc đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài một cách cụ thể, rõ ràng.