Giám sát - Phản biện

Xâm chiếm bãi triều thu lợi bất chính

Nhóm phóng viên 08/04/2024 10:22

Mỗi héc ta mặt nước biển được ra giá 20 triệu đồng/vụ nuôi, hàng trăm héc ta mặt nước thuộc chính quyền xã Vĩnh Trung, TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) quản lý đã bị chiếm giữ, quây ô, mua bán, cho thuê.

anh-chinh.jpg
Các ô nuôi ngao tự phát giăng kín khu vực bãi biển xã Vĩnh Trung, các hộ nuôi phải thuê lại của chủ bãi với giá 20 triệu đồng/vụ nuôi. Ảnh: Đ.BẮC.

Trong vai một người nuôi ngao, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã thâm nhập vào đường dây chiếm giữ, bảo kê và cho thuê mặt nước để làm rõ sự việc.

Viễn cảnh ngao hoa

Gầm cầu Hà Cối, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh), tàu, thuyền chật như nêm. H. (người nhận là chủ bãi triều cho thuê) trực tiếp điều khiển chiếc tàu gỗ tới tận bến gầm cầu đón chúng tôi, dù trong tay H. có nhiều đàn em có thể làm việc này. Qua những cuộc điện thoại liên hệ trước đó, H. có thể đã đoán biết rằng, tôi là một nhà đầu tư lớn cho những bãi ngao mà H. đang sở hữu. Vì vậy, việc ông chủ bãi trực tiếp lái tàu đến bến đón khách như một thông điệp về sự đối đãi trân trọng dành cho khách mới quen.

H. khá trẻ so với tuổi 45. Dáng người nhỏ, phong cách nhanh nhẹn, hoạt bát, phù hợp với công việc trên sông nước. Người đàn ông tự giới thiệu là dân gốc xã Quảng Minh (huyện Hải Hà), ra “lập nghiệp”ở vùng biển hòn Thỏ, thuộc xã Vĩnh Trung (TP Móng Cái) từ năm 2019; đến thời điểm hiện tại, H. đang cùng “những người anh em” ở xã Vĩnh Trung sở hữu hơn 100ha mặt nước khu vực hòn Thỏ.

Chiếc tàu gỗ đưa chúng tôi đi qua những vùng lạch nước, chương bãi phì nhiêu của huyện Hải Hà, mất khoảng 40 phút thì đến khu vực hòn Thỏ. H. giới thiệu, đây là vùng chương bãi trù phú nhất của Móng Cái, cửa ngõ đón lõng các loài hải sản từ biển lớn vào bờ. Chính vì vậy, ngoài làm nghề nuôi ngao và cho thuê bãi, H. còn có hệ thống lưới săm (một hình thức khai thác thủy sản tận diệt có tên trong danh mục cấm) rải từ vùng biển Quảng Minh (huyện Hải Hà) đến tận hòn Thỏ (xã Vĩnh Trung, TP Móng Cái).

“Đồ ăn ở đây dồi dào, mỗi buổi kéo túi lưới trong bãi săm đều thu về hàng tạ tôm, cá” – H. cho biết.

Nhìn bãi cọc lưới săm, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Bảo sao mà những người làm nghề đánh bắt truyền thống ở khu vực ven bờ Hải Hà, Móng Cái cứ vơi dần. Trước đây cứ mỗi buổi ra biển cũng kiếm được 2 trăm nghìn đến 1 triệu đồng, nhưng giờ thì không còn nữa.

Nhưng các bãi lưới săm chỉ là một hình thức để H. “nuôi quân”, tăng thu nhập cho anh em. Việc chính của H. là “lập quy hoạch”, “khoanh vùng”, và “xây dựng” các ô nuôi ngao, sau đó H. đầu tư trực tiếp nuôi hoặc cho thuê lại.

Để cho chúng tôi thấy tiềm năng của nghề nuôi ngao, đặc biệt là loài ngao hoa đang thịnh hành ở Móng Cái, H. dẫn chứng về những người mới trúng đậm sau các vụ nuôi: Vụ trước Tết, anh B. ở Vĩnh Trung được tôi cắt cho 2 ô (mỗi ô 1ha), cũng thu về hơn 1 tỷ đồng; ông L. ở Quảng Minh mấy năm dịch Covid mất trắng vì nuôi ngao 2 cùi, vụ đầu năm vừa rồi thu 3 ô ngao hoa, giờ đã trả hết nợ nần...

anh-nho.jpg
Một công nhân của H. chở lưới ra để đóng bãi săm mới trong khu vực hòn Thỏ. Ảnh: Đ.BẮC.

Tự quy hoạch, cho thuê bãi triều

Đất chật, người đông. Dù các chương, bãi ở xã đảo Vĩnh Trung có rộng mênh mông, kéo dài từ Vụng Dầm, Cống Cách, bãi Tùng, bãi Đai, Núi Lẻ, Núi Am, bãi Cái, Núi Lở, Núi Mõm Kìm, bãi Chương, bãi Cồn Trâu…, dù không thuộc vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, toàn bộ diện tích đất, mặt nước do xã quản lý, hầu như đều “có chủ”.

Nắm bắt được điều này, từ khoảng 5 năm về trước, H. và “những người anh em” ở xã Vĩnh Trung đã ra hòn Thỏ tự quy hoạch vùng nuôi, ô nuôi để cho thuê, rồi làm các dịch vụ hậu cần như vệ sinh ô bãi, cung cấp giống, thu mua ngao thương phẩm, đảm bảo an ninh trật tự…

“Tôi có tổng cộng hơn 100ha, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 26ha, toàn bộ nằm trên chương Thỏ. Chương này vừa có lượng thức ăn phù du lớn, cát lại sạch, rất thích hợp với ngao hoa” – H. giới thiệu trong lúc dẫn chúng tôi lội nước, trực tiếp ra thăm các ô nuôi ngao hoa.

Theo lời H., toàn bộ khu vực hòn Thỏ có 2 chủ bãi, một là H., người còn lại ông chủ tên C., cũng là người ở Quảng Minh. 2 người phân chia nhau “cai quản” suốt một dải chương bãi rộng hàng trăm héc ta, rồi tự “quy hoạch”, “xây dựng” các ô nuôi. “Hiện tại đã có khoảng hơn 100 người nuôi thuê lại các ô của tôi và ông C. Cứ mỗi héc ta là 20 triệu đồng/1 vụ. Tôi sẽ đảm bảo về mặt an ninh, trật tự, không có chuyện trộm cắp hay tranh chấp bãi ở đây. Ngoài ra, giống và nhân công anh có thể tự tìm nguồn, hoặc tôi sẽ cung cấp cho” – H. quả quyết.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về lâu dài muốn đầu tư lớn, nhưng trước mắt sẽ thí điểm nuôi khoảng 5ha ngao hoa, thì hợp đồng thuê bãi như thế nào, H. nói: “Ở đây chúng tôi không có hợp đồng gì, tất cả chỉ thỏa thuận miệng. Nhưng cứ hỏi tất cả những người nuôi ngao ở đây, ai cũng như vậy, chưa bao giờ xảy ra vấn đề gì”.

“Diện tích bãi của anh đã có sổ chưa?”, H. trả lời: “Hiện tại chưa có, nhưng tôi đang kết hợp với những người anh em xã Vĩnh Trung, nên sẽ làm được sổ trong nay mai thôi”. Tỏ ra chưa yên tâm, chúng tôi hỏi tiếp: “Thế nhỡ xuống giống nuôi rồi, chính quyền xã họ lại ra đuổi thì chết”. Tuy nhiên, H. khẳng định chắc nịch rằng sẽ không có ai đuổi vì H. đã “có cách” rồi...

Để chúng tôi thực sự yên tâm đầu tư, H. dẫn ra tận bãi nuôi của các hộ lân cận, mà theo H. nói, các hộ này cũng thuê lại bãi của H. Tại đây, ngoài khẳng định về vấn đề an ninh trật tự, triển vọng nuôi ngao hoa, những người nuôi ngao có mặt còn hướng dẫn về vấn đề kỹ thuật.

“Bãi ở đây thì không phải dọn đáy, nhưng phải phun thuốc diệt ghẹ và các loài cua biển, vì đây là thủ phạm ăn ngao hoa. Sau đó thì cứ thế mà nuôi thôi, thuận lợi thì 6 đến 7 tháng là thu được rồi. Hiện tại ngao thương phẩm có giá từ 250 – 270.000 đồng/kg” – anh., chủ một ô nuôi ngao nói.

Để làm rõ việc nuôi trồng thủy sản, cho thuê bãi triều, mặt nước trái phép tại xã Vĩnh Trung, phóng viên đã liên hệ với ông Đỗ Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái. Ông Tuấn khẳng định toàn bộ hoạt động nuôi trồng tại khu vực hòn Thỏ, xã Vĩnh Trung là trái phép.

“Thành phố đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, xử lý vi phạm trong nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác tài nguyên tại vùng biển ven bờ thuộc phạm vi quản lý của TP Móng Cái. Sáng nay (ngày 3/4) họp, tôi cũng yêu cầu các xã, phường phải xử lý, không thể để các hộ tự quây ra đấy được. Về việc này tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý” - ông Tuấn nói.

Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xâm chiếm bãi triều thu lợi bất chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO