Tình trạng xâm phạm bản quyền để sử dụng với mục đích thương mại khiến thị trường âm nhạc trở nên hỗn loạn. Với những sai phạm không thể chối cãi sau mỗi sự việc xảy ra, các nghệ sĩ đều có chung câu trả lời là “không hiểu luật” xuất phát từ những quy định mập mờ, không rõ ràng.
Tràn lan trường hợp vi phạm
Vừa qua, sự việc nhạc sĩ Nguyễn Đình Dũng tố ca sĩ Đan Trường ''dùng chùa'' ca khúc "Từng yêu'' của anh để đi biểu diễn với mục đích thương mại khiến dư luận sục sôi, truyền tai nhau thắc mắc về khái niệm “bản quyền âm nhạc”.
Cụ thể, trên trang cá nhân nhạc sĩ Nguyễn Đình Dũng khẳng định: "Bản quyền bài hát thuộc về Đình Dũng, ACV Entertainment. Bất cứ cá nhân hay tập thể nào muốn sử dụng ca khúc với mục đích thương mại đều phải được chủ sở hữu cấp phép. Mọi người đừng hiểu nhầm giữa việc mọi người hát vui vẻ trên mạng xã hội, hát ở nhà, hay đi hát karaoke với việc hát thương mại của các ca sĩ.
Đã hơn 2 năm ca sĩ Đan Trường sử dụng trái phép ca khúc “Từng yêu” biểu diễn với mục đích kiếm tiền mà không một lời xin phép với tôi và công ty. Tôi khẳng định bài hát này tôi chưa uỷ quyền cho VCPMC cấp phép biểu diễn.
Vì vậy ngoài việc xin phép chủ sở hữu là tôi - Đình Dũng thì không một ai, một đơn vị nào có quyền cấp phép cho ca sĩ thể hiện ca khúc “Từng yêu”. Chúng tôi sẽ làm rõ chuyện này theo đúng pháp luật''.
Sau khi Nguyễn Đình Dũng đăng tải bài viết, một số khán giả thắc mắc vì sao Đan Trường lại bị tố ngược trong khi từng tuyên bố ca sĩ Phan Duy Anh đã đồng ý cho cover lại ca khúc. Thế nhưng trên thực tế Đan Trường mang ca khúc đi biểu diễn thương mại khi chưa hề có sự đồng ý của nhạc sĩ.
Trước đó ngày 3/6, ACV Entertaiment - đơn vị nắm bản quyền ca khúc “Ai chung tình được mãi” cũng đưa ra thông tin Đan Trường, Lệ Quyên và Tùng Dương biểu diễn bài hát khi chưa được sự đồng ý.
Cụ thể, đại diện đơn vị này cho biết sau đó đã liên hệ với những người có liên quan để làm việc song đến nay họ vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Thậm chí, các nghệ sĩ này còn ngang nhiên tiếp tục sử dụng ca khúc với mục đích thương mại.
Chỉ đến khi sự việc bị dư luận truyền tay nhau lên án, các bên liên quan mới chủ động liên hệ với đơn vị nắm bản quyền để xin lỗi và cam kết giải quyết tiền sự việc.
Thực tế, trường hợp của Đan Trường, Lệ Quyên hay Tùng Dương không phải là lần đầu liên quan đến vi phạm bản quyền âm nhạc. Trong Showbiz, vấn nạn vi phạm bản quyền trong lĩnh vực này đã diễn ra trong suốt nhiều năm và đến nay vẫn chưa được kiểm soát.
Còn nhớ cuối tháng 7/2020, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường tác giả của 2 ca khúc “Hoa nở không màu”, “Buồn làm chi em ơi” liên tục đăng lên trang cá nhân Facebook về việc sai phạm sau khi phát hiện những người sử dụng các ca khúc này trái phép.
Đáng chú ý là trường hợp của Văn Mai Hương khi hát “Hoa nở không màu” tại một phòng trà và sau đó đăng tải lên YouTube cá nhân vào cuối tháng 7/2020. Nữ ca sĩ sau đó đã nhận sai và gửi lời xin lỗi đến tác giả vào ngày 4/8.
Giọng ca “Hương đêm bay xa” giải thích đó là yêu cầu ngẫu hứng của khán giả và khi đăng tải lên YouTube cá nhân, cô không bật chế độ “kiếm tiền” nên không biết đây là sai phạm.
Chính những suy nghĩ ngô nghê đã khiến các nghệ sĩ rơi vào tình huống dở khóc, dở cười. Hiển nhiên, các nghệ sĩ không muốn vì ồn ào này mà sự nghiệp của mình đi xuống. Chính vì lẽ này mà cơ quan quản lý cần siết chặt hơn nữa khâu xử lý, kiểm tra để hơn ai hết nghệ sĩ phải là người tự ý thức được vấn đề bản quyền.
Nghệ sĩ ‘không hiểu luật’ - do đâu?
Tại điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung nêu rõ, âm nhạc là một trong những tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả và ca sĩ trình bày bài hát đó sẽ được bảo hộ quyền liên quan.
Theo đó, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm này trước công chúng, sao chép tác phẩm, truyền tác phẩm đến công chúng bằng các phương tiện kỹ thuật…
Ở Việt Nam, luật nêu rõ việc bản quyền âm nhạc sẽ được bảo hộ quyền tác giả, thế nhưng, luật thì một đường và dường như thực tế thì đi một nẻo(!?). Vậy từ đâu, do đâu mà các nghệ sĩ vẫn ngang nhiên “lách luật” để kiếm tiền?
Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, nhạc sĩ Dương Trường Giang khẳng định, việc các nghệ sĩ ngang nhiên vi phạm bản quyền xuất phát từ ý thức, đạo đức của người làm nghề.
“Khi những người nghệ sĩ sử dụng ca khúc với mục đích thương mại nghĩa là ca khúc đấy sinh ra kinh phí. Họ dùng những ca khúc đấy cho việc đi kiếm tiền. Chính vì vậy đa số nghệ sĩ vi phạm bản quyền đều xuất phát từ sự vô ý mà nguồn cơn là vì khâu quản lý còn khá lỏng lẻo.
Về cơ bản các nghệ sĩ hay những người quản lý của nghệ sĩ không nắm rõ luật một phần là do luật quy định rất mập mờ. Vì thế việc phân định vi phạm và không vi phạm cũng rất khó để phân biệt cụ thể”, nhạc sĩ Dương Trường Giang nhìn nhận.