Cái thời 4.0, tồn tại song song hai thế giới và sự xâm nhập từ thế giới ảo ra đời thực ngày rõ ràng này gần như không có cái gì là không thể xảy ra. Ấy nhưng cũng có những thứ mà 4.0 cũng không thể thay thế!
Những hình ảnh trong 2 MV xẩm “Tứ vị Hà Thành” và “Bốn mùa hoa Hà Nội” của nhóm Xẩm Hà thành thực hiện ở thời điểm công nghệ số đã bắt đầu phổ biến.
Viễn cảnh không xa vời
Đừng giật mình, cũng đừng sốc, mà hãy chuẩn bị sẵn sàng tư thế đón nhận nếu một ngày đẹp trời nào đó cố nghệ nhân Hà Thị Cầu với những câu hát bỗng sống lại, mà không chỉ có bà trùm xẩm cuối cùng của thế kỷ 20, hàng loạt các trùm xẩm lừng danh đất Hà Thành một thời như các cụ cố nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên, Thân Đức Chinh, Vũ Đức Sắc… sống lại và đêm ngày đàn ca. Lúc đấy, người hâm mộ hát xẩm và các nghệ nhân gạo cội tha hồ đắm mình trong những tiếng đàn, lời ca của thần tượng; những người nuối tiếc vì những câu hát của cha ông để lại đã không giữ được và chẳng cho gì để trao truyền cho lớp con cháu tiếp theo cũng không còn phải mùi vẫn than vãn; những nhà di sản, nhà quản lý văn hóa cũng không còn những âu lo cách nào để những câu hát ấy được lưu truyền trong dân gian, không bị mai một mà sống mãi cùng các thế hệ. Không chỉ có việc tái hiện sự hiện sinh của các bậc kỳ tài làng xẩm nói riêng, làng âm nhạc truyền thống nói chung và cả những nghệ thuật khác nữa… Cũng không chỉ dừng lại ở việc tái hiện những tiếng đàn, bài xẩm gắn liền với các nghệ nhân lúc sinh thời trong đời sống thực. Tương lai, hoàn toàn có thể có thêm những sáng tạo mới, những “ngón đàn” mới, những lời ca mới của chính những cố nghệ nhân này phù hợp đúng với đặc tính của những nghệ nhân mà lại mang hơi thở thời sự đương thời…
Liệu có hoang đường, có viễn tưởng không? Thực ra nếu trở lại cách đây trên 2 thập niên trở về trước thì nó sẽ là như thế. Nhưng tất cả đã thay đổi hoàn toàn, những điều trong quá khứ tưởng hoang đường, viễn tưởng ấy lại hoàn toàn có thể trở thành hiện thực ở kỷ nguyên công nghệ thông tin mà nhân loại đã gọi nó là Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (gọi tắt là Cách mạng 4.0) đã manh nha hình thành từ những năm 2000 và thực sự được gọi là cách mạng vào những năm 2013. Trên thế giới đã từng có những nhân vật ảo rất nổi tiếng trong showbiz, chẳng hạn như người mẫu Miquela Sousa từng tham gia nhiều chiến dịch quảng bá sản phẩm cho các hãng thời trang hàng đầu thế giới có lượng theo dõi trên Instagram lên tới 1,6 triệu lượt… Có điều, Miquela Sousa không có trong đời thực, cô là một người mẫu ảo. Cô cũng không đơn độc, trong làng người mẫu ảo còn có 2 người mẫu nữ cũng rất nổi tiếng, một là phiên bản người Nhật và một là phiên bản da màu. Trong khi ngày càng xuất hiện nhiều những người dẫn chương trình truyền hình là những người dẫn ảo. Thậm chí, cách mạng 4.0 không chỉ hiện hữu trong thế giới mạng mà còn hiện hữu ngay đời thực, có thể đi lại, tương tác, trò chuyện trực tiếp với người thực như hai công dân bình thường. Như trường hợp người robot Sophia Sophia được Saudi Arabia cấp quyền công dân năm 2017.
Và như thế những nghệ nhân bậc kỳ tài của làng xẩm, làng âm nhạc, cũng như những nghệ thuật khác đã trở về cát bụi hoàn toàn có thể hồi sinh, tất nhiên sự hồi sinh chỉ có thể ở trong thế giới ảo. Và tất nhiên, việc làm “sống lại” các cố nghệ nhân lừng danh cùng tiếng đàn, lời ca và những đặc tính riêng rồi sau đó tạo nên tính sáng tạo chỉ có thể có được khi những người chủ động làm công việc ấy phải có đầy đủ các dữ liệu, và việc tiếp theo là các dữ liệu ấy được phân tích rất kỹ lưỡng bởi các công nghệ thông tin hiện đại nhất, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo để từ đó có thể tái tạo những giá trị chân thật nhất so với nguyên mẫu. Bản chất của cách mạng công nghệ là thế, một thế giới ảo tồn tại song song và ngày càng rõ nét, ngày càng có sức ảnh hưởng trực tiếp tới thế giới thực.
Tiện ích thời 4.0
Tất nhiên, chuyện sống lại các nghệ nhân đã trở về với tổ tiên mới chỉ là một giả thuyết, trên thực tế thì cách mạng 4.0 chưa tác động mạnh mẽ đến mức như vậy ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, mà chỉ dừng lại ở mức thay đổi những thói quen cơ bản, chuyển dịch từ truyền thống sang số hóa ở mọi khía cạnh. Nếu như thập niên trước, người nghe âm nhạc tìm tới các phương tiện truyền thống như băng đĩa CD, VCD, DVD và các đầu đọc những loại băng đĩa này thì hiện nay cách nghe nhạc này đã không còn phổ biến, người nghe nhạc chủ yếu tìm lên các trang mạng chuyên về âm nhạc để thưởng thức. Sự thay đổi này cũng buộc các nhà sản xuất, các ca sĩ phải thay đổi theo nếu không muốn sự nghiệp và hoạt động của mình dừng lại. Cho nên, từ sản xuất, thể hiện, phương thức xuất bản, cách nghe nhạc… đã thay đổi gần như là cơ bản từ thời internet phổ cập, công nghệ thông tin bùng nổ.
Riêng trong lĩnh vực sản xuất, những hiệu ứng phòng thu cũng tác động ít nhiều tới người nghệ sĩ biểu diễn. Sự can thiệp quá sâu của kỹ thuật đã giúp nhiều người có giọng hát yếu, chưa chuẩn sở hữu những bản thu âm đẹp, chuẩn cả về giọng hát lẫn cao độ… Thông qua những bản ghi âm này, họ có thể trở thành các giọng ca được công chúng yêu mến. Điều này không thể có ở thời phòng thu chưa sử dụng những ứng dụng công nghệ can thiệp vào giọng hát của con người. Và đó là sự khác biệt cơ bản. Trong kỹ thuật biểu diễn, âm thanh, ánh sáng, những kỹ xảo, hiệu ứng sân khấu… đều được lập trình và điều khiển từ xa theo ý muốn của nhà tổ chức chương trình và các nghệ sĩ. Điều này đã góp cho phần thưởng thức của công chúng có thêm nhiều dư vị, cảm giác mới.
Trong khi ứng dụng công nghệ mang đặc trưng của cách mạng 4.0 như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC), rồi cá nhân hóa người dùng… trên nền tảng số giống như một món quà thực sự kỳ diệu dành cho giới nghệ thuật. Bởi lẽ, nếu biết khai thác và vận dụng những ứng dụng phù hợp, nó sẽ giúp cho các nghệ sĩ theo đuổi sở trường đặc trưng của mình với những khán giả thích dòng nhạc đó của nghệ sĩ sẽ nhanh chóng tìm được đến nhau; hay việc mỗi sản phẩm mới của nghệ sĩ khi giới thiệu trước công chúng hoàn toàn có thể đến tận từng mỗi khán giả thông qua những thông báo thông qua smartphone và các thiết bị khác…
Xẩm tận dụng 4.0
Sống trong thời đại số, sống giữa cuộc cách mạng công nghệ mà không biết tận dụng công nghệ có lẽ sẽ là người lỗi thời. Cũng từ suy nghĩ ấy mà trong hoạt động của nhóm Xẩm Hà Thành luôn tận dụng những lợi thế của công nghệ phù hợp để góp phần đưa tên tuổi cũng như sản phẩm của nhóm được đến với khán giả một cách hiệu quả nhất. Ở thời đại nghệ thuật không đơn thuần chỉ là âm thanh mà phải có cả phần hình, đòi hỏi của người nghe không chỉ là thưởng thức âm nhạc mà còn phải có cả phần nhìn sao cho bắt mắt, trong mỗi MV của nhóm khi thực hiện cũng đều khai thác và tận dụng tốt nhất có thể trong điều kiện của nhóm để có được những sản phẩm vừa đạt chất lượng ở phần nghe cũng như phần nhìn. Để có được như vậy, đương nhiên kỹ thuật phòng thu âm thanh cũng cần phải chuẩn, kỹ thuật phần hình cũng phải chuẩn, đạo diễn phải nắm bắt và cho ra được những hình ảnh,màu sắc phù hợp với xu hướng thưởng thức của khán giả.
Trong mỗi MV kể từ MV “Tiễu trừ cướp biển” cho tới “Bốn mùa hoa Hà Nội” rồi “Tương tư”, “Tứ vị Hà Thành”… nhóm Xẩm Hà Thành luôn chọn mạng xã hội là nơi phát hành sản phẩm của nhóm thông qua kênh Youtube và fanpage của nhóm. Như vậy là nhóm đã có phần chủ động hơn, không phụ thuộc vào những yếu tố khác khi cho ra mắt những sản phẩm. Đồng thời, nhóm cũng sử dụng một vài ứng dụng công nghệ để những sản phẩm này đến được đúng với đối tượng yêu thích của nó. Tất nhiên, với xẩm, cộng đồng nghe chưa nhiều, nên mỗi tác phẩm mới chỉ dừng lại ở một vài vạn người thưởng thức - một con số quá khiêm tốn so với nhạc dành cho giới trẻ hiện nay - nhưng cũng đủ để các nghệ sĩ trong nhóm có niềm tin gắn bó và tiếp tục cống hiến.
4.0 không thể tạo cảm xúc âm nhạc
Tất nhiên, cái gì cũng có hai mặt, nên trong hoạt động của mình, nhóm Xầm Hà Thành chỉ khai thác công nghệ ở chừng mực nhất định, chủ yếu là ở góc độ đưa tác phẩm để với công chúng một cách chủ động và hiệu quả nhất. Còn thì sự can thiệp của công nghệ vào nội dung nghệ thuật từng tác phẩm là hết sức hạn chế. Bởi lẽ, nghệ thuật luôn có tiếng nói riêng, nghệ thuật bắt nguồn từ cảm xúc và phụ thuộc vào cảm xúc, cho nên không có gì có thể thay thế được những điều đó. Nói rộng hơn, ngay cả khi các giá trị nghệ thuật truyền thống đã mai một, những nghệ nhân tài ba trong quá khứ đã không còn hiện hữu trên cuộc đời này nữa, thì khi hồi sinh và dựng một nghệ nhân ảo tái hiện hình ảnh nguyên mẫu cũng chỉ có giá trị như sự tri ân của người đương thời đối với sự hiện hữu và cống hiến của các nghệ nhân trong quá khứ. Những giá trị sáng tạo mới nếu có được ứng dụng công nghệ kích hoạt khi làm sống lại các nghệ nhân ảo sẽ hoàn toàn thiếu đi cảm xúc, bởi nó không được bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống người sáng tạo đã trải qua và cảm nhận được.
Điều cần thiết bây giờ là cần nhìn nhận vai trò của cách mạng 4.0 một cách khách quan, đưa ra những định hướng phù hợp với sự phát triển của nghệ thuật, âm nhạc trong giai đoạn sao cho phù hợp vẫn là câu chuyện cần phải bàn rất nhiều ngay từ bây giờ và trong nhiều năm sau nữa.