Để thu hút dòng vốn đầu tư mới, chất lượng cao, các khu công nghiệp cần nhanh chóng “xanh hóa”. Đó được coi là xu thế tất yếu.
Xu hướng được lựa chọn
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5/2024, cả nước đã có 425 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất được thành lập với quỹ đất công nghiệp khoảng 89.200ha. Trong đó, có 299 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, cũng như của các địa phương nói riêng. Lũy kế đến hết năm 2023, các KCN, khu kinh tế trên cả nước thu hút được trên 11.200 dự án đầu tư nước ngoài và 10.600 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đạt lần lượt 251,6 tỷ USD và 2,67 triệu tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện tương ứng đạt tỷ lệ khoảng 68,2% và 45,3%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng được lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới, áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng. Do vậy, việc xanh hóa các KCN, khu kinh tế để đón dòng vốn đầu tư xanh là yêu cầu bắt buộc. Xu hướng này đang được dẫn dắt, định hướng bởi các cam kết quốc tế mới, những nỗ lực phục hồi của các quốc gia sau đại dịch Covid-19. Đó là xu hướng phát triển kinh tế số, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và thương mại mới. Đặc biệt là kể từ sau cam kết lịch sử đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, tại Hội nghị COP26.
Với riêng hoạt động thu hút đầu tư, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam cũng đang nỗ lực từng bước để “xanh hóa” dòng đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA) cho rằng, phát triển KCN xanh hiện nay không còn là một trào lưu, mà đang trở thành yêu cầu bắt buộc. Trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, xu hướng này đang tạo nên sự thay đổi tích cực và cần thiết. Vì phát triển xanh là điều kiện tiên quyết để các KCN thu hút được các nhà đầu tư chất lượng cao, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia có yêu cầu cao và khắt khe về tiêu chuẩn môi trường.
Các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên không chỉ nhằm mục tiêu thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, mà chính là giải pháp giảm chi phí vận hành lâu dài cho các doanh nghiệp. Ví dụ, việc sử dụng năng lượng tái tạo hoặc hệ thống quản lý nước thông minh có thể giảm chi phí năng lượng, chi phí trong sử dụng nước sạch và nước thải… Đặc biệt, phát triển xanh còn mang đến một môi trường làm việc sạch sẽ, an toàn và thân thiện với môi trường, sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu suất làm việc của người lao động.
Doanh nghiệp quan tâm khu công nghiệp xanh
Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài như LEGO, Heineken… đã quan tâm đặc biệt đến sản xuất xanh thông qua xây dựng các nhà máy trung hòa carbon ở Việt Nam, đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đặc biệt gắn với các tiêu chí ESG theo yêu cầu của các chuỗi ngành hàng.
Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn, JLL Việt Nam, bà Trang Lê cho biết, vấn đề xanh hóa được đặt ra trong 5 năm trước chỉ là vấn đề được cân nhắc để làm thì bây giờ là điều bắt buộc phải làm. Các nhà đầu tư đã có lộ trình rõ ràng và có những dự án đạt tiêu chuẩn xanh. Trong khi đó, tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu thử nghiệm mô hình công nghiệp sinh thái. Nhiều khó khăn trong thực tế còn cần phải giải quyết. Đặc biệt, nếu phải đợi 1-2 năm nữa thì các nhà đầu tư sẽ đi tới các nước khác, lúc này Việt Nam sẽ bị lỡ nhịp phát triển.
Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Hardy Diec, Giám đốc điều hành Công ty KCN Vietnam, cho biết nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang quan tâm phân khúc nhà xưởng nhà kho xây sẵn trong những năm gần đây. Công ty do ông điều hành có nhiều hoài bão để phát triển các sản phẩm này và tăng cường sự cạnh tranh ở phân khúc này. Do đó, theo ông Hardy Diec, xu hướng xanh hóa cũng là xu hướng đáng chú ý thời gian tới, nhiều công ty, nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến việc làm sao cần phát thải carbon... đóng góp vào quá trình phát triển bền vững.
Trong thu hút đầu tư và tham gia chuỗi giá trị của những ngành công nghiệp mới như năng lượng xanh, công nghiệp bán dẫn, để chuẩn bị nguồn lực hạ tầng cho dòng vốn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng đến năm 2030, sẽ có 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8 - 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.
Hiện nay, nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng KCN xác định việc phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, qua đó, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.