Xây dựng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm

Hà Ngân (thực hiện) 28/07/2016 09:10

Ngày 27/7, trao đổi với Đại Đoàn Kết về kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, trong thời gian tới, Mặt trận sẽ chọn các địa phương gắn với từng vùng miền để phân công chỉ đạo điểm trong xây dựng các mô hình chấp hành quy định về ATTP trong giai đoạn 2016-2020.

Xây dựng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh.

PV: Thưa Phó Chủ tịch, mục đích của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khi ban hành Chương trình phối hợp, vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020 là tập trung ở những nội dung chính nào?

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Như chúng ta biết, ATTP hiện nay đang là vấn đề hết sức bức xúc và gây nên những lo lắng cho nhân dân, tạo nên những băn khoăn trong đời sống xã hội.

Mặt trận phải góp phần để giải quyết những bức xúc lo lắng này. Lâu nay, giám sát là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận nhưng giám sát về an toàn thực phẩm lại là một việc mới và khó. Năm 2016, chọn giám sát về an toàn phẩm, đồng nghĩa với việc người Mặt trận đã dấn thân vào một hành trình gian khó. Nhưng khó mấy cũng phải làm vì trong giai đoạn hiện nay, để hướng tới hội nhập, không có cách nào khác, chúng ta phải cùng nhau xây dựng một hình ảnh của đất nước Việt Nam văn minh.

Với quyết tâm đó, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ ký kết một Chương trình phối hợp về vận động và giám sát việc thực hiện pháp luật về ATTP. Mục đích của Chương trình phối hợp này chính là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân về đảm bảo ATTP.

Hiện nay, nhiều người đang đặt câu hỏi ăn gì để không bị ngộ độc trước mỗi bữa ăn của mình. Đây là câu hỏi khó vào lúc này, bởi vấn nạn thực phẩm bẩn đang diễn ra với nhiều nghịch cảnh. Những người sản xuất thực phẩm không an toàn, không biết việc mình làm là đang đầu độc cộng đồng, chỉ vì lợi nhuận trước mắt. Có lẽ chỉ đến khi tòa án lương tâm được thức tỉnh thì vấn nạn này mới thuyên giảm. Cho nên nhận thức chính là cái gốc của mọi vấn đề.

Đó cũng là mục đích mà chương trình phối hợp muốn hướng tới, tạo thành ý thức, trách nhiệm của mỗi một người dân, hộ gia đình, tổ chức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP từ đó chuyển thành những hành vi văn minh trong việc tiêu dùng, sản xuất kinh doanh về ATTP. Công tác tuyên truyền, vận động và giám sát còn để cổ vũ và biểu dương những cá nhân, tập thể, doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định về ATTP đồng thời, lên án phê phán và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP.

Được biết, trong nội dung phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, công tác tuyên truyền, vận động và giám sát về ATTP có hướng đến 5 nội dung cơ bản, cụ thể đó là những nội dung nào, thưa bà?

- 5 nội dung cơ bản đó là tăng cường công tác tuyên truyền vận động. Thứ hai là rà soát các văn bản, quy định của pháp luật về lĩnh vực ATTP trên cơ sở đó để điều chỉnh, bổ sung các quy định nhằm đảm bảo thống nhất các quy định về ATTP đồng thời tăng cường các chế tài xử lý. Thứ ba là phối hợp để xây dựng các mô hình, điển hình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, từ đó nhân rộng các mô hình, điển hình. Thứ tư là tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra để đảm bảo làm sao mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh về ATTP phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Và cuối cùng là tổ chức các hoạt động để tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phát giác của người dân từ cơ sở về những hành vi vi phạm quy định về ATTP.

Để Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về tuyên truyền, vận động giám sát ATTP được triển khai một cách thường xuyên, đi vào cuộc sống thì hai bên phải thường xuyên duy trì chế độ báo cáo định kỳ. Theo đó, UBND các tỉnh phối hợp với MTTQ và các ngành có liên quan phải tổ chức giao ban để đánh giá kết quả thực hiện hằng quý. Hàng năm, Bộ Y tế, UBND các tỉnh phối hợp các Bộ, ngành có liên quan phải tổ chức sơ kết đánh giá kết quả và cũng gắn với hoạt động biểu dương các cá nhân, điển hình trong việc thực hiện ATTP trong năm qua.

Trong thời gian tới, Mặt trận sẽ triển khai Chương trình giám sát ATTP như thế nào thưa bà?

- Để triển khai Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về công tác tuyên truyền, vận động giám sát ATTP theo Chương trình số 90 đã được kí kết ngày 30/3/2016 và cũng căn cứ Chỉ thị 13 ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong vấn đề về quản lý ATTP, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã giao cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp số 90.

Trong Kế hoạch xác định thời gian thực hiện các nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể giữa Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận với các bộ, ngành để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nội dung trong công tác phối hợp giữa Mặt trận và các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Đối với nội dung giám sát bảo đảm ATTP với hướng phân công trách nhiệm cụ thể, MTTQ phối hợp các tổ chức thành viên đã thống nhất mỗi tổ chức sẽ giám sát ở một lĩnh vực cụ thể, như: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì giám sát Hoạt động quản lý Nhà nước của một số bộ, ngành trung ương và chính quyền các thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ).

Trung ương Hội Nông dân sẽ chủ trì phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam giám sát các doanh nghiệp sản xuất hóa chất, vật tư nông nghiệp có quy mô lớn tại tỉnh Hà Nam và tỉnh Thanh Hóa.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Bộ Tư pháp giám sát chợ đầu mối đấu giá nông hải sản tại tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương giám sát kinh doanh thực phẩm tại trung tâm thương mại và chủ trì phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giám sát kinh doanh thực phẩm tại các điểm du lịch tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam chủ trì phối hợp với Liên hiệp các các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam và Bộ Tài chính giám sát an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Lạng Sơn.

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giám sát việc thực hiện chế biến thực phẩm tại tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau.

Đồng thời, chúng tôi sẽ chọn các địa phương gắn với từng vùng miền để phân công chỉ đạo điểm trong xây dựng các mô hình. Như ở phía Bắc chúng tôi sẽ chọn Lào Cai, ở các TP lớn chọn Hà Nội, Cần Thơ, ở khu vực Tây Nguyên chọn Lâm Đồng, Đồng bằng sông Hồng chọn Hà Nam. Chọn những tỉnh đó để gắn liền với các vùng miền nhằm tăng cường công tác chỉ đạo điểm và phân công cho các tổ chức trong việc theo dõi, triển khai Chương trình 90, xây dựng các mô hình về vấn đề chấp hành quy định về ATTP trong giai đoạn 2016-2020.

Trên đây là kế hoạch mà chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian sắp tới nhưng rõ ràng an toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc kéo dài, không thể làm trong một năm, không thể làm trong một cơ quan mà phải là cả hệ thống chính trị, chính quyền phối hợp với Mặt trận cùng toàn thể nhân dân mới có thể làm được.

Trân trọng cảm ơn bà!

Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã xác định mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, công tác tuyên truyền, vận động về ATTP phải đến được khu dân cư để đảm bảo 100% khu dân cư tổ chức được các hoạt động, tuyên truyền, vận động và giám sát về ATTP. Đến năm 2020, có 90% hộ gia đình và các cơ sở sản xuất kinh doanh đăng kí và cam kết thực hiện các quy định về ATTP, trong đó có 60% hộ gia đình và các tập thể, doanh nghiệp được công nhận đạt các tiêu chuẩn về ATTP. Tất cả các xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới cũng như các phường, thị trấn đạt tiêu chí văn minh Đô thị phải là những địa phương chấp hành nghiêm những quy định về ATTP.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm