Cao tốc Bắc - Nam là một đại dự án với vốn đầu tư 312 nghìn tỷ đồng, dự kiến kéo dài 3 nhiệm kỳ trung hạn từ nay đến 2020, từ 2020-2025 và sau 2025. Theo báo cáo của Chính phủ, từ nay đến 2020, tổng chi cho Dự án khoảng 130 nghìn tỷ đồng nhưng hiện mới có 55 nghìn tỷ, số còn lại phải huy động thêm. Vậy, để giải bài toán khó về vốn này sẽ cần những gì?
Vướng về vốn là thực trạng hiện tại của cao tốc Bắc - Nam.
Giải pháp nào?
Chiều 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông; nếu đạt đồng thuận dự án dự kiến sẽ trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào giữa tháng 10. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng, trong trường hợp đấu thầu không thành công, vẫn thực hiện giải phóng mặt bằng theo kế hoạch, nhà nước sẽ đầu tư một số dự án thành phần có nhu cầu cấp bách thuộc đoạn Ninh Bình-Thanh Hóa và đoạn Dầu Giây-Phan Thiết theo hình thức đầu tư công bằng phần vốn trái phiếu Chính phủ còn lại (41.972 tỷ đồng). Sau khi đầu tư xong, sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và nhượng quyền vận hành, khai thác, để lấy tiền đầu tư các đoạn tiếp theo. Bộ GTVT cũng đề xuất cơ chế giao Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng Công ty Cửu Long (CIPM) là các Tổng công ty 100% vốn nhà nước huy động nguồn lực để đầu tư một số dự án thành phần.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chọn nhà đầu tư không dễ dàng, nếu không bố trí được vốn sẽ không thực hiện được. Khi cơ chế được thông qua, trình đồng bộ dự án rồi mà cơ chế và hệ thống văn bản pháp luật còn “vênh” thì phải đợi ý kiến của Quốc hội, các Nghị định liên quan thì Chính phủ ban hành. Đến khi thông qua chủ trương rồi cũng phải có kế hoạch chi tiết mới có thể phát hành trái phiếu Chính phủ được.
Hiện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thành lập các đoàn công tác tiến hành khảo sát, kiểm tra hiện trường các đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc-Nam. Tuy nhiên, tại văn bản góp ý mới đây về dự án này, Bộ Tài chính cũng bày tỏ những lo ngại khi liên quan đến phương án phân kỳ đầu tư và lựa chọn hình thức đầu tư, phương án xử lý trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.
Chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, rất khó trong lựa chọn nhà đầu tư vì không có tiền. Vừa qua xây dựng BOT chủ yếu là các doanh nghiệp vay tiền từ các ngân hàng để làm. Chưa kể bây giờ chưa chọn được phương án mấy làn đường và số tiền hơn 130 ngàn tỷ đồng không phải là nhỏ trong bối cảnh nợ công đang tăng cao.
Đại dự án cao tốc Bắc - Nam cần nguồn vốn rất lớn.
BOT, chuyện không đơn giản
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT đã xây dựng các nhóm cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo dự án đấu thầu cạnh tranh, minh bạch; quản lý chặt chẽ chất lượng, giá thành; khắc phục bất cập về thu phí. Cụ thể, để thu hút được các nhà đầu tư tham gia triển khai dự án, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội cho phép quy định trong hợp đồng dự án, tiến độ huy động vốn chủ sở hữu phù hợp với tiến độ triển khai dự án, không áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên Bộ Tài chính đã đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng xem xét, giao Bộ GTVT bổ sung đánh giá cụ thể tính khả thi về tài chính của các dự án thành phần dự kiến được thực hiện theo hình thức BOT (bao gồm dự án không sử dụng phần vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ và dự án có sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ). Đối với những dự án phương án tài chính khó khả thi thực hiện theo hình thức PPP, đề nghị nghiên cứu theo hướng đầu tư công.
Một phần quan trọng được quan tâm là mức giá sử dụng đường bộ. Trong các nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, GTVT đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội chấp thuận cơ chế “xác định mức tăng giá dịch vụ ngay trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hợp đồng dự án; mức giá đã quy định trong hợp đồng là không thay đổi”. Tuy nhiên Bộ Tài chính đề nghị không đưa nội dung trên vào báo cáo Quốc hội, do “quy định chưa phù hợp với thẩm quyền và hình thức giá sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh tại Nghị định số 149/2016 của Chính phủ” và “không phù hợp với nguyên tắc định giá của Nhà nước đã áp dụng chung cho tất cả hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá”.
Theo ông Bùi Danh Liên, chuyên gia giao thông Hà Nội, nếu xây dựng cao tốc Bắc Nam mà có thêm nhiều trạm thu phí BOT thì chi phí vận tải và mức phí người dân chịu sẽ tăng lên. Đặc biệt thời gian vừa qua rất nhiều trạm thu phí BOT đặt sai chỗ để tận thu gặp phải phản ứng của dân. Ông Liên đặt vấn đề: “Hiện nay chúng ta đầu tư quá nhanh, phát triển nóng, chưa căn cứ thực tế khả năng vốn tự có, đi vay vốn nước ngoài, nợ công cao dẫn đến hệ lụy là nhiều vấn đề bất cập chưa có lời giải”.
Liên quan đến vấn đề này, Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh nhìn nhận, đấu thầu trong BOT là một câu chuyện không đơn giản. Xây dựng công trình xong phải vận hành, chuyển giao, quản lý, thu phí, tính toán xem có đúng với bài toán kinh tế ban đầu hay không? Bởi qua quá trình giám sát BOT cho thấy công tác giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến các dự án chậm, từ đó gây ra hệ lụy nguy hiểm là tăng mức đầu tư. Giải phóng mặt bằng chậm khiến tiến độ chậm, giá vật tư, nhân công tăng theo, lãi suất phải trả khi vay ngân hàng cũng tăng.Và rồi người dân phải gánh chịu, dân phải đóng góp.