Việt Nam cần cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics phức tạp hơn, mạng lưới giao thông vận tải toàn cầu mạnh hơn và đặc biệt là giải pháp logistics giá trị gia tăng. Ông Đỗ Xuân Quang - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), đã khuyến nghị như vậy trong buổi nhóm họp cùng giới doanh nghiệp (DN) logistics Thái Lan vừa diễn ra tại TP.HCM để nói về vấn đề “Sức mạnh của sự liên kết, chìa khoá cạnh tranh cho ngành logistics”.
Ảnh minh họa.
Theo ông Đỗ Xuân Quang, so với Thái Lan, việc chuẩn bị của ngành logistics Việt Nam để tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) còn thấp hơn nhiều.
Uớc tính năm 2015 ở Việt Nam có khoảng 1.300 DN logistics nhưng đa số là DN vừa và nhỏ. Trong đó, số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ khoảng 3 - 4% nhưng đang chiếm đến 80% thị phần logistics tại Việt Nam. Theo số liệu cập nhật mới nhất, tính đến tháng 5-2016, đã có 2.000 DN tại Việt Nam đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics với khoảng 300.000 khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ này.
Tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam trong những năm gần đây được VLA đánh giá là rất cao, tăng đến 24%. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics ở Việt Nam cũng cao không kém khi chiếm đến 20,9% GDP cả nước vào năm 2015.
Điều này được cho là làm giảm tính cạnh tranh về chi phí của các DN Việt Nam. Trong khi ở nhiều quốc gia phát triển khác, chi phí này chỉ chiếm 9 - 15%.
Trên thực tế, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy logistics thông qua việc đầu tư nhiều hơn ở các cảng, đường cao tốc, sân bay, cũng như hải quan điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại qua biên giới, thực hiện các thủ tục một cửa theo hướng một cửa ASEAN.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng như thế vẫn chưa đủ. Theo số liệu về ngành logistics của WB, Việt Nam đang đứng thứ 48 trong tổng số 160 quốc gia, nhưng lại đứng thứ 4 từ dưới đếm lên trong khu vực ASEAN, chỉ hơn Indonesia, Lào, Campuchia.
Thống kê hồi năm ngoái cho thấy, tổng chi phí vận chuyển, lưu kho, kho bãi, thủ tục hải quan và các công việc giấy tờ khác ở Việt Nam lên tới 37 - 40 tỷ USD.
Con số này vượt quá cả tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2014. Riêng với chi phí sản xuất kinh doanh của ngành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam thì chi phí logistics đã chiếm đến 40%.
Theo ông Nestor Sherbey - chuyên gia tư vấn của Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại Việt Nam (VTFA), hoạt động của logistics đang đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thuận lợi hoá thương mại ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay.
Cho nên, việc xác định các đầu tư tối ưu về hạ tầng logistics là rất cần thiết để tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế đối với cả hàng hoá xuất khẩu cũng như nhập khẩu.
Ông Trần Khánh Hoàng - Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, cốt lõi của logistics là vấn đề tối ưu hóa để kết nối đầu cuối với chi phí thấp nhất trong thời gian phù hợp nhất.
Vì vậy, phía Tân Cảng Sài Gòn đang triển khai các phương án kết nối hệ thống 16 cảng, 6 ICD và depot với gần 5.000m cầu tàu, 190 ha bãi container và 550.000m2 kho hàng trên khắp cácvùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Tất cả nhằm tạo dựng những gói giải pháp logistics hỗ trợ cho các DN Việt Nam tận dụng được những lợi ích mà TPP mang lại.
Nói như ông Đỗ Xuân Quang, để tăng sức cạnh tranh, các DN logistics Việt phải chủ động liên kết với thị trường logistics quốc tế. Điểm yếu của các DN Việt lâu nay là thiếu tự tin trên thương trường quốc tế. Vì vậy, với các DN logistics Việt, cần phải xây dựng lòng tự tin khi ra thị trường nước ngoài, bởi việc này có thể chiếm 50% trong thành công của DN.