Việc hình thành 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đang được nhà quản lý đặt ra rất nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, mô hình đặc khu kinh tế chuẩn sẽ phức tạp, nếu không có những bước đi thận trọng, mục tiêu phát triển 3 đặc khu kinh tế nói trên có thể sẽ khó khăn.
Đặc khu kinh tế chuẩn cần có những bước đi thận trọng.
Kỳ vọng phát triển
Theo kỳ vọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đặc khu kinh tế sẽ tạo nên diện mạo mới cho các địa phương nói riêng và nâng tầm cả quốc gia, chắp cánh cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đuổi kịp các nước trong khu vực.
Theo đó, từ năm 2030, nhờ sự đầu tư và phát triển một cách bứt phá tại các đặc khu kinh tế, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở 3 đặc khu Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc sẽ đạt từ 12.000 đến 13.000 USD/người/năm. Nếu so với mức thu nhập bình quân hiện nay (khoảng 2.200 USD/người/ năm), đây thực sự là ước mơ của bất kỳ người dân nào trên cả nước
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng hình thành những đặc khu kinh tế được đưa ra tại Việt Nam. Còn nhớ, đầu thập niên 2000, mô hình “khu kinh tế mở” hay “khu kinh tế ven biển” đã được các nhà quản lý đưa ra “mổ xẻ” rất nhiều. Và ngay sau đó, trong vòng gần một thập kỷ (từ 2003 đến 2010) đã có 18 khu kinh tế ven biển ra đời.
Việc hình thành những khu kinh tế mở và khu kinh tế ven biển cũng được nhà quản lý kỳ vọng rằng sẽ có những cải cách về thể chế và chính sách. Đồng thời, mục tiêu là đến năm 2020, các khu kinh tế ven biển sẽ đóng góp từ 53%-55% GDP và từ 55%-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kỳ vọng vẫn chỉ là kỳ vọng, tất cả các mục tiêu về thể chế - chính sách cũng như tăng trưởng kinh tế đều… phá sản.
Chính bởi vậy, khi ý tưởng xây dựng ba đặc khu kinh tế nói trên được hình thành, dư luận không khỏi lo lắng về tính hiệu quả cũng như những mục tiêu mà nhà quản lý đặt ra. Câu hỏi là: Liệu có thể trở thành hiện thực hay không?
Tránh tư duy “ăn xổi”
Không phủ nhận, diện mạo của Phú Quốc đã có những thay đổi vượt bậc kể từ khi có Quyết định 1255 năm 2011 của Thủ tướng về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của Kiên Giang, đưa Phú Quốc trở thành đặt khu hành chính kinh tế trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Và từ Quyết định này, khoảng hơn 16 tỷ USD từ hơn 250 dự án đã được đổ vào Phú Quốc trong vòng 5 năm qua.
Nhận định về mục tiêu phát triển các đặc khu kinh tế hiện nay, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, lợi thế lớn nhất khi mở các đặc khu kinh tế là thí điểm xây dựng các thể chế mới, trên cơ sở đó sẽ ứng dụng và làm cho lan tỏa ra những phần còn lại của cả nước. Mục tiêu chính là tạo ra sự tăng trưởng bền vững thông qua thay đổi thể chế, tăng năng suất và tạo động lực phát triển.
Bởi vậy, rất cần nhà quản lý có một tầm nhìn dài hơi và sự chuẩn bị kỹ càng để có những bước đi thận trọng, tránh tạo ra tình trạng chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm nhỏ.
Bên cạnh đó, theo ông Thành, để phát triển các đặc khu kinh tế thật sự thành công, cần tránh tư duy “ăn xổi”. Phải có sự cam kết dài hạn với nhà đầu tư, ví dụ thời gian có thể lên tới 100 năm hoặc lâu hơn nữa và những cam kết đó phải có hiệu lực thì nhà đầu tư mới đặt niềm tin, nếu không họ sẽ luôn thận trọng và chỉ nghĩ đến “lướt sóng” bằng đầu tư ngắn hạn. Lúc đó, mọi mục tiêu phát triển đặc khu kinh tế đều có thể thất bại.
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam muốn có đặc khu cần phải luôn tư duy, suy nghĩ là mình đang cạnh tranh với các đặc khu khác trong khu vực và trên thế giới. Nghĩa là phải tư duy câu cá lớn, hình thành thể chế sao cho hấp dẫn, thu hút bằng được các nhà đầu tư lớn vào đây. Bản thân chính quyền các địa phương cũng cần phải vượt lên tư duy thông thường, nếu lại cứ cơ chế lãnh đạo tập thể như hiện nay thì khó có thể thành công.