Sau hơn 1 năm triển khai, Đề án đô thị thông minh tại TP Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả nhất định. Việc thực hiện đề án đã bám sát vào các lĩnh vực thuộc 7 chương trình đột phá được thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện, và những lĩnh vực liên quan tới an sinh xã hội như cải cách hành chính, giao thông, chống ngập, môi trường, y tế…
Hơn 1 năm trước, tháng 11 năm 2017, TP HCM ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Qua một năm triển khai thực hiện, TP HCM đã đạt được một số kết quả nhất định.
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu lọt vào nhóm 10 thành phố hiện đại toàn cầu.
Bám sát lĩnh vực liên quan đến an sinh
Bà Trần Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết, sau 1 năm đề án ĐTTM được công bố, TP đã triển khai 4 Trung tâm thuộc Đề án. Đó là xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở. Đầu năm 2019, Kho dữ liệu dùng chung của TP - giai đoạn 1 đi vào hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung, trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành TP.
Về Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP, sẽ vận hành giai đoạn 1 tại UBNDTP, trên cơ sở tích hợp thông tin từ các hệ thống camera hiện có của Văn phòng UBND TP và các sở, ngành, các trung tâm; hệ thống liên thông tổng đài khẩn cấp 113-114-115; và hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022 vào Trung tâm điều hành chung của UBND thành phố. Phòng mô phỏng dự báo kinh tế xã hội của TP giai đoạn 1 tại Viện Nghiên cứu phát triển TP hình thành, phục vụ cho việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11. Quý 3 năm 2019, TP sẽ phê duyệt Khung kiến trúc ĐTTM TP, tổ chức triển khai trong toàn TP.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung TP HCM cho rằng, Đề án ĐTTM tại TP HCM cần ưu tiên tập trung, bám sát vào các lĩnh vực thuộc 7 chương trình đột phá đã được TP xây dựng kế hoạch thực hiện, và những lĩnh vực có vấn đề bức xúc liên quan đến an sinh cuộc sống của người dân, cụ thể như cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử; giao thông; chống ngập, môi trường; y tế, dịch vụ sức khoẻ cộng đồng, an toàn thực phẩm; an ninh trật tự an toàn xã hội; chỉnh trang đô thị.
Thời gian qua TP đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị về nội dung xây dựng thành phố thông minh (TPTM). Theo đó nhiều ý kiến chuyên gia, các cơ quan ban ngành, DN đã đóng góp kiến tâm huyết, phân tích cụ thể những khó khăn thách thức, đồng thời đưa ra những giải pháp hữu hiệu hướng đến mục tiêu thực hiện thành công Đề án.
Đầu năm 2019, Kho dữ liệu dùng chung của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đi vào hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung.
Phát triển nguồn nhân lực “xương sống”
Theo ông Trần Minh Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công viên Sài Gòn Silicon, phát triển nguồn nhân lực được coi là “xương sống” trong chiến lược phát triển đột phá các giải pháp sẽ tạo dựng môi trường giáo dục mang tính thực tiễn và sáng tạo cao thông qua việc sử dụng các thiết bị giáo dục thông minh: Bảng tương tác, máy tính bảng, sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, thẻ học sinh thông minh. Chính quyền nâng cao hiệu quả dự báo cung cầu lao động thông qua hệ thống liên thông dữ liệu giáo dục các cấp, chia sẻ dữ liệu liên ngành: Giáo dục, y tế, bảo hiểm, dân cư, hệ thống thu thập số liệu phục vụ dự báo cung cầu lao động.
Trong lĩnh vực phát triển đô thị, người dân, DN có thể truy cập các thông tin quy hoạch một cách dễ dàng và xin phép xây dựng dễ dàng qua các kênh điện tử. Chính quyền có thể quy hoạch đô thị bền vững trên nền tàng dữ liệu liên ngành.
Ông Trần Anh Tuấn - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM bày tỏ quan điểm rằng, điểm nhấn xây dựng TPTM của TP chính là xây dựng khu đô thị sáng tạo tại các quận 2, 9 và Thủ Đức trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức. Nơi đây sẽ trở thành hạt nhân cốt lõi thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn và là nền tảng thực hiện đề án ĐTTM.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, hiện nay, tại mỗi quận, huyện, sở ngành đều có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân theo hướng ĐTTM. Tuy nhiên, tính liên thông và đồng bộ chưa cao, dữ liệu dùng chung chưa có, dẫn đến nhiều bất cập. Thành phố cũng đã đặt hàng các DN, đặc biệt là các DN công nghệ thông tin viễn thông để xuất các dự án cụ thể để triển khai thực hiện xây dựng ĐTTM, trong đó chú trọng huy động các nguồn lực ngoài nguồn ngân sách; khuyến khích DN đầu tư và cho thuê các dịch vụ công nghệ thông tin nhằm triển khai nhanh, hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin.
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, việc xây dựng ĐTTM là một quá trình liên tục, cần có sự chung tay của các nguồn lực xã hội. Do đó, TP chú trọng việc tạo kênh tương tác giữa người dân và chính quyền nhằm thu thập các ý kiến đóng góp, hiến kế từ người dân và DN về các giải pháp thiết thực, hiệu quả để triển khai xây dựng thành công ĐTTM; thường xuyên được cập nhật, bổ sung, hoàn chỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn của TP, ý kiến góp ý của người dân và DN, đồng thời phù hợp với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu thế phát triển ĐTTM trên thế giới. Đảng bộ và chính quyền TP đặt mục tiêu nằm trong nhóm 10 thành phố toàn cầu.
Nghị quyết cơ chế đặc thù cho TP HCM được Quốc hội vừa thông qua sẽ giúp cho TP HCM có nhiều cơ hội chủ động hơn để đầu tư tài chính và chủ động trong việc mời gọi DN tham gia xây dựng thành công Đề án TPTM, tạo tác động lan tỏa trong phạm vi cả nước.