Tài chính

Xây dựng đội ngũ cán bộ nghiệp vụ có chất lượng làm nền tảng giá trị Vietcombank

Nguyễn Thị Quyên 11/11/2024 17:30

Trong suốt hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Vietcombank luôn nỗ lực vượt qua mọi thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Ðảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giao. Ðặc biệt, trong giai đoạn 10 năm gần đây, Vietcombank đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, có tính đột phá và mang dấu ấn lịch sử.

Những thành quả đáng tự hào đó là kết tinh của tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động; tầm nhìn, tư duy nhạy bén, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tập thể Ðảng ủy, Ban lãnh đạo Vietcombank; cùng với đó là sự tin tưởng, ủng hộ của các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Hành trình phát triển hơn 60 năm, trải qua nhiều thăng trầm, Vietcombank đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm quý báu làm hành trang để tiếp tục bứt phá, vươn xa, đón đầu xu thế phát triển mới, thực hiện thành công tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược.

Xây dựng đội ngũ cán bộ nghiệp vụ chất lượng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái dây chuyền của nhà máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”. Trong so sánh ấy, mỗi người đều có thể hiểu, nhìn nhận và đánh giá được vai trò của từng khâu, từng mắt xích trong dây chuyền của bộ máy; khi dây chuyền bị trục trặc ở mắt xích, công đoạn nào đó thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của dây chuyền cụ thể nói riêng, đến cả bộ máy nói chung. Và từ đó, có thể suy ra rằng, khi cán bộ có vấn đề về năng lực, trình độ, tư cách, phẩm chất đạo đức... thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả một tập thể, khiến tập thể đó gặp phải những khó khăn về nhiều mặt khác nhau. Để có cán bộ tốt, làm được việc phải chú trọng đến khâu đào tạo, huấn luyện; vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Người đúc kết từ thực tiễn trở thành lý luận rằng: “Nơi nào mà cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt, thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm... Nơi nào có cán bộ tốt, thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy. Và cả vùng đó tỏa ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ”. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được. Không chỉ so sánh hết sức giản dị, dễ hình dung nhưng khúc chiết, chuẩn mực, bao quát như vậy, tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ luôn khẳng định rõ rằng, cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề, mọi công việc thành hay bại đều do cán bộ. Đặc biệt, ở mỗi một giai đoạn cách mạng, tùy vào tình hình cụ thể để đặt ra mục đích, nhiệm vụ khác nhau để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người căn dặn: “Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận, Bác mong rằng: các chiến sĩ tài chính - ngân hàng ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khǎn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự”.

Theo tinh thần Chương trình hành động số 223-Ctr/ĐU ngày 01/10/2021 thực hiện Nghị quyết số 441-NQ/ĐU ngày 01/07/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ Vietcombank về khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Vietcombank, hàng năm Vietcombank tổ chức các cuộc thi tay nghề, có thể kể đến: Hội thi Cán bộ Ngân quỹ giỏi Vietcombank, Thi tay nghề nghiệp vụ Bán buôn, Thi tay nghề nghiệp vụ Quản lý nợ và Định giá tài sản, Thi tay nghề nghiệp vụ Quản lý nhân sự, Thi tay nghề nghiệp vụ Tài trợ thương mại, Thi tay nghề nghiệp vụ Quản lý rủi ro, Thi tay nghề nghiệp vụ Ngân hàng bán lẻ,….

Trong đó, hội thi tay nghề nghiệp vụ Tài trợ thương mại là một trong những cuộc thi nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo cán bộ tại Trụ sở chính và Chi nhánh. Năm 2024, quy mô thí sinh tham dự hội thi tăng gấp gần 3 lần so với hội thi lần thứ nhất.

Đặc biệt, trong hội thi lần này có gần 35% tổng cán bộ không thuộc đối tượng bắt buộc vẫn đăng ký dự thi để chủ động bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao hiểu biết về nghiệp vụ Tài trợ thương mại.

Nhằm tiếp tục tăng trưởng quy mô và thị phần sản phẩm, dịch vụ của Vietcombank một cách hiệu quả, bền vững, việc định kỳ tổ chức hội thi tay nghề là cần thiết nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, thúc đẩy nghiên cứu, cập nhật, tìm hiểu quy định của pháp luật của Vietcombank; từ đó, giúp đánh giá chất lượng của các cán bộ, nhận diện, tìm kiếm và tuyên dương khen thưởng những cán bộ có năng lực để đào tạo phát triển, đồng thời khích lệ tinh thần làm việc, yêu nghề của cán bộ trên toàn hệ thống.

436-202411151600271.jpg
Vòng chung kết Hội thi nghiệp vụ Tài trợ thương mại năm 2024

Theo kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ chính trị v/v tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, các phong trào sáng kiến, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ được khuyến khích thúc đẩy, trở thành một điểm sáng trong hoạt động của Vietcombank.

Cán bộ ở tất cả các khối, các lĩnh vực toàn hệ thống Vietcombank đã tích cực, chủ động tham gia nghiên cứu khoa học, thực hiện sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn. Số lượng đề xuất thực hiện nhiệm vụ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tăng lên qua các năm. Có thể kể đến năm 2024, có 16 đề tài cấp Vietcombank và 82 sáng kiến cấp Vietcombank và Đơn vị được phê duyệt triển khai.

Những thành tựu KH&CN đã góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra trong hầu hết các lĩnh vực phát triển của Vietcombank như hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác quản trị rủi ro, phát triển các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng theo hướng hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh cho Vietcombank.

Theo đó, hoạt động KH&CN đã góp phần (1) Cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản trị điều hành; tổ chức, quản lý và triển khai hoạt động kinh doanh hiệu quả; đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ, gia tăng sự hài lòng của khách hàng; (2) Tạo cơ hội để cán bộ nghiên cứu, cập nhật khoa học và công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực chuyên môn, tạo nguồn cán bộ giỏi cho các lĩnh vực nghiệp vụ của đơn vị và Vietcombank. Có thể nói, hoạt động KH&CN đã góp phần không nhỏ trong việc tăng cường bồi dưỡng khả năng tự đào tạo, tự nghiên cứu cho các cán bộ tại Vietcombank; (3) Lan tỏa văn hóa đổi mới và tư duy sáng tạo như một trong những động lực phát triển quan trọng trong ngân hàng.

Trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong những yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam so với khu vực và thế giới.

Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, nguồn nhân lực có kỹ năng và chứng chỉ chuyên môn với tiêu chuẩn quốc tế được ghi nhận trên toàn cầu là yếu tố quan trọng để ngành tài chính ngân hàng Việt Nam thành công hơn trong tiến trình hội nhập.

Điển hình như tại Trung tâm Tài trợ thương mại Vietcombank, Ban Lãnh đạo đã phê duyệt các cơ chế động lực như hỗ trợ chi phí thi lấy chứng chỉ nghiệp vụ quốc tế và đưa việc có chứng chỉ nghiệp vụ thành một chỉ tiêu cá nhân về tự đào tạo, giúp cán bộ tại Trung tâm Tài trợ thương mại xây dựng tiêu chuẩn quốc tế trong cung ứng dịch vụ Tài trợ thương mại ra thị trường. Theo dõi các chỉ tiêu chất lượng có thể thấy được sự tương quan: khi tỷ lệ cán bộ đạt chứng chỉ quốc tế càng cao, tỷ lệ lỗi tác nghiệp càng thấp và mức độ hài lòng của khách hàng nội bộ càng tăng, số liệu cụ thể tại bảng dưới đây:

img_9789.jpeg
Tỷ lệ cán bộ đạt chứng chỉ nghiệp vụ quốc tế (CDCS/CITF/CSDG/FCI) tại TT TTTM Vietcombank.

Lực lượng lao động của Vietcombank ngày một phát triển theo hướng quốc tế hóa, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu hoạt động trong bối cảnh hội nhập, luôn sẵn sàng đổi mới và càng thêm gắn kết, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm hành động với khát vọng đưa Vietcombank trở thành ngân hàng tầm cỡ khu vực và từng bước hội nhập với thế giới, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Vietcombank luôn xác định ý chí và khát vọng là động lực, là sức mạnh quý báu cho sự phát triển bền vững của Vietcombank. Con người là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất tạo nên sức mạnh nội sinh mang tính quyết định; chăm lo phát triển yếu tố con người phải gắn với khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng; chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, giàu trí tuệ, giàu ý chí và khát vọng. Khơi dậy niềm tin, lòng tự hào, tinh thần sẵn sàng cống hiến, ý chí quyết tâm, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống là khâu đột phá có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển của Vietcombank.

Ðặc biệt, luôn trân trọng gìn giữ, kế thừa và bổ sung, phát triển các bản sắc văn hóa truyền thống Tín-Chuẩn-Mới-Bền-Nhân đã được hun đúc qua hơn 60 năm của Vietcombank. Bản sắc văn hóa Vietcombank đã trở thành điểm khác biệt, là niềm tự hào và chất keo gắn bó người Vietcombank thành một khối thống nhất, là nguồn cảm hứng và năng lượng tích cực, góp phần xây dựng thương hiệu Vietcombank nhân văn, bền vững, trường tồn cùng sự phát triển của đất nước.

Hình thành nền tảng giá trị Vietcombank

Xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu đã tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập. Các ngân hàng nước ngoài đã và đang tham gia vào thị trường tài chính nước ta ngày càng nhiều, tạo nên áp lực cạnh tranh ngày một khốc liệt trong hệ thống các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng trong nước mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tồn tại và phát triển.

Việc phải đối mặt với quá nhiều thách thức cạnh tranh cùng với sự gia nhập của các ngân hàng nước ngoài đòi hỏi các ngân hàng phải có chiến lược rõ ràng để giữ vững và nâng cao thị phần.

Nhiều ngân hàng đã có bước phát triển vượt bậc về chất lượng dịch vụ, nâng cao trình độ quản trị, áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ như internet banking, ebank,… Trong lĩnh vực Thanh toán quốc tế - Tài trợ thương mại, lĩnh vực then chốt đã làm nên thương hiệu Vietcombank suốt hơn 60 năm qua, Vietcombank khẳng định vị thế của mình trong tiến trình số hoá dịch vụ ngân hàng khi triển khai dịch vụ Tài trợ thương mại trực tuyến năm 2019, dịch vụ tín dụng thư nội địa trên nền tảng chuỗi khối (blockchain) đầu tiên tại Việt Nam năm 2020, dịch vụ thư tín dụng cho phép xuất trình chứng từ điện tử trên nền tảng essDOCS năm 2022.

Sự kiện này không chỉ đánh dấu thành công riêng trong hoạt động của một ngân hàng thương mại, mà còn mang tầm vóc của mốc chuyển đổi có tính “cách mạng về thanh toán”, qua đó góp phần nâng tầm vị thế Vietcombank trên bản đồ chuyển đổi số của Việt Nam.

Việc đem đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nếu ngân hàng muốn tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Chính vì vậy, Vietcombank đã chọn khẩu hiệu: “Chung niềm tin vững tương lai” làm “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nếu những chuẩn mực bên ngoài như cơ sở vật chất, đồng phục, hình thức, tác phong,… là yếu tố ban đầu để thu hút khách hàng thì thái độ, sự tận tụy và sự chính xác trong từng nghiệp vụ là phẩm chất, chuẩn mực bên trong để chinh phục trọn vẹn trái tim khách hàng, đồng thời đây cũng là nhân tố quyết định tạo nên sự thành công.

Hạn chế sai sót trong giao dịch với khách hàng; đảm bảo thời gian và chất lượng đã cam kết với khách hàng. Xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên ngân hàng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ. Năm 2023, Vietcombank vinh dự được đánh giá là ngân hàng được khách hàng hài lòng nhất tại Việt Nam (theo Báo cáo xếp hạng 10 ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam dựa trên mức độ hài lòng của khách hàng về các dịch vụ và sản phẩm mà họ cung cấp của Decision Lab, đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam).

Do vậy, luôn phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng ban chuyên môn, giữa các cán bộ nhân viên, thường xuyên rà soát cải tiến quy trình, cung cấp dịch vụ kịp thời và chính xác cho khách hàng, bảo mật thông tin cho khách hàng tốt nhất và kịp thời khắc phục khi có sự cố xảy ra, mang lại cho khách hàng sự tin tưởng khi sử dụng sản phẩm dịch vụ của Vietcombank.

Từng đảng viên, cán bộ, nhân viên phải luôn hành động đúng với một trong năm bản sắc văn hóa Vietcombank là “Tin cậy” tức giữ chữ tín và lành nghề.

Chữ tín tạo dựng chữ tin, là sự Tin cậy của Đảng và Nhà nước, của đối tác trong và ngoài nước, đặc biệt là của hàng triệu khách hàng. Sự hài lòng của khách hàng là yếu tố quan trọng cho thành công và phát triển bền vững của ngành ngân hàng nói chung và của Vietcombank nói riêng. Mỗi cá nhân là “Đại sứ” thương hiệu, mỗi tập thể là “Hạt nhân” gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại. Vietcombank sẽ luôn đồng hành cùng khách hàng trong sự nghiệp và cuộc sống, cùng nhau hướng tới những giá trị tương lai tốt đẹp, nối tiếp những thành công, đóng góp cho sự phồn vinh của đất nước

Kinh nghiệm và giải pháp trong thời gian tới

Cả về mặt lý luận và thực tiễn đều chứng minh rằng, nếu làm tốt công tác cán bộ thì sẽ không có va vấp, không gây ra những hệ lụy tiêu cực, những hậu quả đáng tiếc. Nói cách khác, nếu vấn đề nhân sự được thực hiện một cách khách quan, công tâm, khoa học, đúng người, đúng việc, đúng tầm chiến lược thì sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, hoặc ví von hình ảnh là nhiều “cánh cửa” sẽ được mở ra, giúp cá nhân, tập thể bước tới những cái đích đặt ra như kỳ vọng. Việc làm tốt công tác cán bộ cũng như quá trình “đánh chìa khóa” để mở ra nhiều “cánh cửa”, hay việc bắn một mũi tên trúng nhiều đích. Những “cánh cửa” ấy, có thể bước đầu hình dung như sau:

Thứ nhất, làm tốt công tác cán bộ cũng là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đó cũng là việc triển khai thiết thực Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Có như thế, cán bộ mới thực sự là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ đúng là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Thứ hai, làm tốt công tác cán bộ sẽ góp phần ngày càng hoàn thiện những quy định, chính sách pháp luật về công tác cán bộ, để cán bộ thực sự là cái gốc, là nhân tố, là khâu then chốt quyết định sự thành công của mọi công việc, để hiện thực hóa Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Có như vậy, mọi “dây chuyền” của tất cả các “bộ máy” đều vận hành trơn tru, hiệu quả chứ không trục trặc, tê liệt. Và khi ấy, cán bộ sẽ thực sự là những “đầu tàu”, là thủ lĩnh thực sự uy tín, công tâm, đáng kính của đơn vị đủ sức chèo lái con tàu đi đến bến bờ đã định. Làm tốt công tác cán bộ, vì thế, chính là giải pháp quan trọng để xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh.

Thứ ba, làm tốt công tác cán bộ cũng chính là công việc quan trọng để “xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, đúng như quan điểm của Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Làm tốt công tác cán bộ sẽ là bước quan trọng, quyết định đến việc xây dựng được đội ngũ cán bộ chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Đồng thời, đó cũng là triển khai thực hiện quá trình “kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài” (Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII).

Thứ tư, làm tốt công tác cán bộ sẽ góp phần chặn đứng tình trạng tham nhũng, lãng phí, những tiêu cực, khuất tất, những mất đoàn kết nội bộ, rối ren, bất công... trong xã hội. Khi ấy, mọi cán bộ đều được đặt đúng vị trí, đúng khả năng, trình độ của mình và việc sử dụng cán bộ thực sự như cổ nhân dạy rằng “dụng nhân như dụng mộc”. Và khi việc sử dụng người cũng tuân theo nguyên tắc của người thợ mộc chọn gỗ làm đồ thì sẽ không có sự bố trí cán bộ “lệch vai”, trái sở trường, không có việc tiêu cực, “chạy chức, chạy quyền”, “lợi ích nhóm”,... dẫn đến những sai lầm gây hậu quả đáng tiếc,

Thứ năm, làm tốt công tác cán bộ sẽ tạo ra môi trường làm việc lý tưởng, chuyên nghiệp, mọi cá nhân đều được đối xử bình đẳng, kích thích sự hăng say lao động, làm việc, tư duy đổi mới, đột phá, vì tập thể, dám nghĩ dám làm. Thực tế, con người chính là tài sản quý nhất của mỗi đơn vị, là nền tảng cơ bản để đơn vị xây dựng, phát triển. Khi tạo được môi trường làm việc lý tưởng, mọi người đều được tạo cơ hội phát triển một cách toàn diện, với trách nhiệm cũng như quyền lợi, việc khen thưởng, xử phạt được quy định rõ ràng, nhờ đó mỗi người đều toàn tâm toàn ý ra sức cống hiến cho đơn vị. Cũng vì thế, các chế độ, chính sách, việc chăm sóc, đãi ngộ sẽ được quan tâm hơn, trong đó có cả chế độ thăng tiến trong công việc, để triệt tiêu việc “chạy chức, chạy quyền”. Mặt khác, khi tạo được môi trường làm việc lý tưởng, từng thành viên trong tập thể cảm thấy thân thiện, có sự tin tưởng lẫn nhau, yêu thương, gắn bó với nhau, tạo ra sự đoàn kết chung sức đồng lòng giúp tập thể phát triển nhanh, mạnh, vững bền. Từ những hạt nhân, tế bào mạnh, từ những “dây chuyền”, “bộ máy” hoạt động hiệu quả, phát triển tăng trưởng chắc chắn sẽ góp phần quan trọng giúp xã hội mạnh hơn, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng đội ngũ cán bộ nghiệp vụ có chất lượng làm nền tảng giá trị Vietcombank