Xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Kiểm soát chặt quyền lực để tránh lạm quyền

H.Vũ 11/11/2017 08:05

Chiều ngày 10/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt . Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình chọn phương án không tổ chức HĐND và UBND tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mà thực hiện thiết chế Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại hội trường (Ảnh: Quang Vinh).

Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gồm 6 chương với 104 điều và 5 phụ lục), được xây dựng với mục tiêu tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Đồng thời hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới, có môi trường sống hiện đại; tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao; nâng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp cho ngân sách nhà nước; tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi.

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, Luật được xây dựng trên quan điểm quán triệt chủ trương của Đảng về phát triển đơn vị HCKTĐB, bám sát và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp; xây dựng thể chế mới, chính sách vượt trội trên các mặt kinh tế - xã hội, hành chính và tư pháp, cao hơn và thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành, phù hợp với Hiến pháp, điều ước quốc tế và có tính cạnh tranh quốc tế.

Báo cáo thẩm tra dự án luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị HCKTĐB. Theo ông Nguyễn Khắc Định, để tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị HCKTĐB bảo đảm khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế thì Luật này có thể quy định những cơ chế, chính sách vượt trội, khác với các luật hiện hành.

Tuy nhiên, phải bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân tại đơn vị đơn vị HCKTĐB.

Về tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB, Chính phủ đề xuất và xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB. Phương án 1: Không tổ chức HĐND và UBND tại đơn vị đơn vị HCKTĐB mà thực hiện thiết chế trưởng đơn vị đơn vị HCKTĐB do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế-xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB. Phương án 2: Tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB đặc biệt gồm có HĐND và UBND.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Định cho biết qua thảo luận, trong Ủy ban Pháp luật có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành phương án 1 và cho rằng phương án này thể hiện được tính “đặc biệt” về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy như được nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Loại ý kiến thứ hai tán thành phương án 2 vì cho rằng phương án này bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 (Điều 110 và Điều 111) và thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (các Điều 2, 4, 74 và 75).

Đồng thời thể hiện tính nhất quán về tổ chức của hệ thống bộ máy chính quyền địa phương, bảo đảm nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; bảo đảm tính đại diện và quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân ở các đơn vị HCKTĐB.

Tuy nhiên, những đại biểu tán thành phương án 2 đề nghị cần rà soát để thiết kế lại cách thức thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND đơn vị HCKTĐB để thể hiện rõ hơn tính đặc thù, tính cải cách, đột phá.

Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Pháp luật báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến về vấn đề nêu trên.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Khắc Định cũng báo cáo những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến các nội dung của dự án luật về mô hình tòa án và các cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị HCKTĐB; việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài; chính sách phát triển kinh tế - xã hội; ngành, nghề đầu tư kinh doanh; chính sách ưu đãi về thuế; vấn đề về lao động, tiền lương và an sinh xã hội;...

Qua thảo luận các ĐB Lê Quân (Hà Nội); Phạm Đình Cúc (Bà Rịa -Vũng Tàu); Đặng Thuần Phong (Bến Tre) bày tỏ đồng tình với phương án 1 mà Chính phủ trình.

Bởi như vậy sẽ tạo sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB; bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Cùng chung quan điểm, ĐB Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để các đặc khu kinh tế thực sự phát triển thì nên chọn mô hình Trưởng đặc khu và trao Quyền “quyết mọi việc” cho vị này.

Nêu ví dụ đặc khu kinh tế Thẩm quyến (Trung Quốc) Trưởng đặc khu có đặc quyền tương đương cấp tỉnh, ông Sinh cho rằng, không nên đánh đồng giống như cấp huyện, về kinh tế phải cho họ thẩm quyền tương đương cấp tỉnh. “Muốn phát triển được thì phải cho họ cơ chế, quyền lực và có cơ chế kiểm soát chặt quyền lực của Trưởng đặc khu để tránh lạm quyền”- ông Sinh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Kiểm soát chặt quyền lực để tránh lạm quyền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO