Kinh tế

Xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi xanh

THANH GIANG 19/08/2024 07:06

Kinh tế xanh và kinh tế số được xem là trụ cột chính trong nỗ lực hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược này, cần sớm có khung khổ pháp lý đồng bộ, vững chắc làm động lực thúc đẩy chuyển đổi.

bai-chinh(1).jpg
Doanh nghiệp đang cố gắng ứng dụng chuyển đổi xanh trong sản xuất. Ảnh: T.G.

Mô hình tăng trưởng kinh tế “chưa xanh”

PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam chưa có tăng trưởng âm, cũng chưa có tăng trưởng GRDP trên 10%. Đã ghi nhận tăng trưởng GRDP đạt 9%, còn lại hầu như ở mức hơn 6%. Điều này chứng tỏ, kinh tế không có sự bứt phá nhanh mà chỉ ở mức khá.

Ông Tuấn phân tích thêm, kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào tài nguyên, lao động giá rẻ, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài ra, đóng góp của khoa học – công nghệ vào nền kinh tế rất ít, chỉ đạt khoảng 40 – 41%...

Động lực tăng trưởng chủ yếu là vốn, còn công nghệ hạn chế. Yêu cầu đặt ra, phải hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tế chuyển đổi kinh tế hiện nay, ông Bùi Quang Tuấn cho rằng, mặc dù nhận diện rõ điểm yếu nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phát triển theo chiều rộng nhiều hơn là phát triển theo chiều sâu. Mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam chưa xanh và không đóng góp nhiều cho phát triển bền vững (năng lượng tái tạo). Hiện nay, ô nhiễm môi trường về rác thải nhựa Việt Nam vào loại nhiều của các tỉnh, thành.

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, TPHCM có GRDP dẫn đầu cả nước nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố có dấu hiệu chững lại, thu nhập trung bình của người dân vẫn ở mức thấp... Điều này đòi hỏi thành phố phải tìm kiếm các giải pháp, động lực và không gian phát triển kinh tế mới. Thời gian qua thành phố có các chương trình, đề án liên quan đến triển khai và phát triển các mô hình kinh tế mới, tập trung chuyển đổi theo hướng xanh và số trong cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố mở ra nhiều cơ hội và động lực cho hành trình chuyển đổi xanh và số của thành phố.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới hiện nay đang định hình hai xu hướng phát triển lớn mang tính tích hợp cao là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số nhằm đảm bảo hiệu quả và bền vững. Các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế cũng chuyển từ các hiệp định thương mại tự do đơn thuần sang thúc đẩy chuyển đổi kép như: Hiệp định đối tác kinh tế số hay Hiệp định đối tác kinh tế xanh mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các sản phẩm sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế truyền thống với thâm dụng lao động và tài nguyên đang giảm lợi thế cạnh tranh và khó tiếp cận thị trường trong và ngoài nước với tiêu chuẩn ngày càng cao.

Cần hệ sinh thái cho chuyển đổi xanh - số

Chuyển đổi kép về xanh và số đang là xu hướng tất yếu. Kinh tế xanh lẫn kinh tế số được xem là trụ cột chính trong nỗ lực hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Việc ứng dụng các mô hình hướng đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trở thành yêu cầu cấp bách mà mỗi quốc gia, doanh nghiệp quan tâm.

TS Trần Du Lịch – chuyên gia kinh tế lý giải, với những tác động tương hỗ, các công nghệ số hóa góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, thân thiện với môi trường. Để doanh nghiệp tự tin chuyển đổi, Nhà nước sớm có khung khổ pháp lý vững chắc làm động lực thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi. Nói cách khác là cần hệ sinh thái cho chuyển đổi, kỳ vọng những đóng góp về mặt pháp lý để thực thi hiệu quả.

Ông Jean - Jacques Bouflet – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, hiện nay Chính phủ nhiều nước ngày càng quan tâm và ban hành nhiều quy định liên quan phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn với các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội.

Trong đó, các chiến lược trong Thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu (EU) là một ví dụ. Tại các quốc gia như Đức, Hàn Quốc hiện đã chuyển đổi và ứng dụng các mô hình kinh doanh mới. Ở Đức, mô hình được phối hợp và thực hiện bởi chính phủ, nhà làm luật, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực cùng tham gia xây dựng các ý tưởng về chuyển đổi xanh một cách sâu sắc, mạnh mẽ và minh bạch. Ông Jean - Jacques Bouflet thông tin, kinh tế xanh đóng góp 2% GRDP vào năm 2020. Định hướng đến năm 2050, Việt Nam đạt 300 tỷ USD về kinh tế xanh. Ông Jean khuyến nghị, Việt Nam cần có một lộ trình chuyển đổi tổng thể và toàn diện. Trong đó, các trụ cột chính cần tập trung là khung khổ pháp luật, thực hiện các dự án thí điểm, mở rộng các nguồn tài chính xanh.

Theo LS Nguyễn Trung Nam - Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt, sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng đối với vấn đề phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay sẽ dẫn đến nhiều thay đổi đáng kể trong các quy định có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi xanh