Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự đi vào thực chất, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn yêu cầu Cần Thơ xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa Việt của doanh nghiệp ngày càng rộng khắp, hiệu quả…
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban chỉ đạo cuộc vận động thành phố Cần Thơ.
Ngày 30/10, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) cùng đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam kiểm tra thực hiện cuộc vận động tại thành phố Cần Thơ.
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động cùng lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ đến kiểm tra, giám sát trực tiếp hai hệ thống siêu thị bán lẻ hàng hóa lớn nhất tại thành phố Cần Thơ gồm: Siêu thị Co.op Mart, siêu thị Lotte Mart và đến tham quan mô hình Hợp tác xã Nông sản xanh Cần Thơ.
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn thăm HTX nông sản xanh Cần Thơ.
Phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo cuộc vận động tại Thành ủy Cần Thơ, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động nhấn mạnh: Muốn phát triển sản xuất, tiêu dùng trong nước thì không thể bỏ quên thị trường hơn 90 triệu dân.
Hiện nay, hệ thống các siêu thị gắn với tiêu thụ hàng hóa ngoài nước ngày càng phát triển mạnh. Hàng hóa của các nước qua nhập vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch còn nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đối với sản xuất trong nước. Đặc biệt, người nông dân luôn là người chịu thiệt thòi và dễ bị tác động nhất.
Do đó, phát triển sản xuất tiêu dùng trong nước phải được quan tâm đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tiến hành kiểm tra một số tỉnh, thành xem việc tuyên truyền và thực hiện cuộc vận động thực hiện ra sao, có giải pháp gì để đẩy mạnh cuộc vận động, còn vướng mắc gì và có những đề xuất gì với Trung ương.
Báo cáo với đoàn công tác Trung ương, bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ, Phó Trưởng ban thường trực Cuộc vận động thành phố Cần Thơ cho biết: Cần Thơ đã triển khai tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, không ngừng tạo uy tín và sức cạnh tranh đối với hàng hóa Việt.
Cần Thơ cũng quyết liệt trong đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, các cơ sở không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn kiểm tra thực hiện cuộc vận động tại Co.opmart Cần Thơ.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng thành phố đã kiểm tra, xử lý 1.853 vụ, tăng 498 vụ so với cùng kỳ. Trong đó, xử lý 1.411 vụ với số tiền thu nộp ngân sách trên 12,23 tỉ đồng, tăng 5,33 tỉ đồng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động kịp thời nhân rộng, biểu dương các mô hình tiêu biểu, hiệu quả trong thục hiện cuộc vận động. Đáng chú ý là mô hình vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn chiếm trung bình 52%, chiếm tỉ lệ khá cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ bổ sung: Hiện nay, tỉ lệ hàng hóa Việt được tiêu thụ càng nhiều ở nông thôn (chiếm từ 90 - 95% trở lên) thông qua các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và phát triển hệ thống các chợ nông thôn truyền thống.
Hiện nay trên thành phố có tổng số 16 siêu thị, trung tâm thương mại, tỉ lệ hàng hóa Việt Nam chiếm từ 80 - 90%. 107 chợ truyền thống cũng đã đưa tỉ lệ hàng hóa Việt luôn chiếm từ 90 - 95%.
Trong 10 tháng đầu năm đã phát triển được 13 cửa hàng tiện ích, 9 điểm bán hàng nông sản an toàn. Chương trình bình ổn thị trường năm 2016, có 7 doanh nghiệp tham gia, với hơn 20 điểm bán hàng, doanh số bán ra gần 300 tỉ đồng, đồng thời tất cả hàng hóa bình ổn giá đều là hàng Việt.
Tuy vậy, cuộc vận động cũng gặp một số khó khăn như: tâm lí sính hàng ngoại của một bộ phận người dân, các doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu kém trong việc phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng.
Hiện vẫn còn một bộ phận người sản xuất vì lợi nhuận mà quên quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, tác động xấu đến niềm tin của người tiêu dùng.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động khen thành phố Cần Thơ có nhiều cách làm mới, sáng tạo trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mỗi năm đều tổ chức nhiều cuộc hội chợ qui mô quốc tế và các hội chợ chuyên đề đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng.
Qua khảo sát, kiểm tra, hầu hết các siêu thị trong nước, cũng như siêu thị nước ngoài tại Việt Nam thì lượng hàng hóa Việt được bán đều chiếm từ 85 - 90%.
Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã gắn cuộc vận động với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Toàn thể hệ thống chính trị cần chung tay trong việc thực hiện cuộc vận động, đặc biệt là các hệ thống chính quyền các cấp cơ sở.
Về giải pháp để cuộc vận động hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký yêu cầu Cần Thơ cần đổi mới hình thức tuyên truyền hiệu quả, tác động sâu rộng đến quần chúng nhân dân; cần xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa Việt của doanh nghiệp ngày càng rộng khắp, hiệu quả; vận động, kêu gọi các doanh nghiệp cam kết sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng lượng; tăng cường công tác kiểm tra giám sát cuộc vận động, kiểm soát chặt chẽ thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Thành ủy Cần Thơ cần xây dựng chương trình hành động thực hiện cuộc vận động, sơ kết tổng kết định kỳ, đánh giá các mặt làm được chưa được, kịp thời khen thưởng các mô hình làm hay, phát huy hiệu quả cuộc vận động.