Xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ

Dung Hòa 07/12/2019 07:30

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV). Theo đó, để khắc phục thực trạng lệch chuẩn đạo đức của một bộ phận trong giới trẻ thời gian qua, hơn lúc nào hết cần chú trọng “dạy chữ” đi đôi với “dạy người”.

Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ, thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV đã đạt được những kết quả tích cực. Phần lớn HSSV có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi; có tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng; có ý thức chấp hành pháp luật tốt, lối sống đẹp, lành mạnh; có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; tham gia các hoạt động vì cộng đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận HSSV chưa có ý thức học tập tốt, có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Vẫn còn một số thầy, cô giáo chưa thực sự là tấm gương về đạo đức, lối sống; nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống chậm đổi mới, chưa phù hợp với thực tiễn. Mặt trái của nền kinh tế thị trường; hành vi bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội, trên phim ảnh, internet, sách báo... đã tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của HSSV. Do đặc thù tâm lý lứa tuổi, nếu không được tư vấn, hỗ trợ kịp thời để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong học tập, các mối quan hệ xã hội sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ GDĐT tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo và trải nghiệm. Khuyến khích xây dựng các bài giảng, video clip, hình ảnh, bài viết về giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng cấp học. Xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện. Rà soát đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn học giáo dục đạo đức; đổi mới đào tạo giáo viên về đạo đức nhà giáo; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội; kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV.

Chỉ thị yêu cầu Bộ GDĐT cùng UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ LĐTBXH, Bộ VHTTDL, Bộ Công an, Hội Khuyến học Việt Nam…cùng các cơ quan, đơn vị cùng phối hợp thực hiện. Trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, nhà trường tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội tích cực tham gia công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV.

Trước đó, đã có nhiều hội thảo bàn về thực trạng đạo đức, lối sống của HSSV. Gần đây nhất, Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo xung quanh vấn đề này. Đây là dịp tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, các nhà quản lý đánh giá đúng thực trạng và đưa ra giải pháp, để Liên hiệp Hội kiến nghị với Bộ GDĐT, tạo cơ chế chính sách về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV trong những năm tới.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, thời gian qua ngành giáo dục chưa có những giải pháp căn cơ, hiệu quả đối với công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV. Nhiều bài học kiến thức khô khan, chưa gắn với đời sống của tuổi trẻ; nội dung khó, không phù hợp với độ tuổi. Ðáng chú ý, mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều, trong khi mục tiêu dạy người vẫn còn bị xem nhẹ. Việc phân bố nội dung, thời lượng giáo dục đạo đức chưa phù hợp; càng lên lớp cao hơn, nội dung giáo dục đạo đức càng giảm trong chương trình chính khóa. Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ. Một bộ phận cha mẹ học sinh ít tôn trọng các biện pháp giáo dục của trường học, vẫn còn tâm lý “khoán trắng” cho thầy, cô giáo và nhà trường.

Theo các chuyên gia, nếu làm tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV sẽ góp phần hạn chế được nạn bạo lực học đường, bạo lực xã hội gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần xem xét giáo dục văn hóa, đạo đức, giá trị sống cho HSSV trong bối cảnh kinh tế thị trường, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; tìm kiếm giải pháp tháo gỡ sự tha hóa về đạo đức lối sống cho HSSV; giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV cần đa dạng về hình thức và sát với mục tiêu đào tạo. Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển giáo dục nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ bồi dưỡng nhận thức về các chuẩn mực xã hội mà còn góp phần định hình, phát huy những phẩm chất cần thiết của nhân cách con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ