Chính trị

Xây dựng luật, pháp lệnh: Coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng

H.Vũ 16/04/2024 08:03

Chiều 15/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 32. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.

anh-bai-tren.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Nguồn: Quochoi.vn

Tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trình bày tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị Chương trình phải đảm bảo tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào năm 2024. Coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đặc biệt, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, do đó, việc xây dựng Chương trình cần đảm bảo các dự án được xem xét, cho ý kiến và thông qua trong năm 2025, hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 2 nhiệm kỳ Quốc hội. Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2024 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2024 đối với 11 dự án, dự thảo. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 7 đề nghị điều chỉnh đối với 4 dự án, dự thảo gồm: đề nghị lùi thời hạn trình 1 dự án (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật) từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Bên cạnh đó, bổ sung vào Chương trình 3 dự án, dự thảo gồm 2 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp là: Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; và 1 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 thông qua tại Kỳ họp thứ 8 là Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đề nghị bổ sung đối với 8 dự án gồm: Bổ sung vào Chương trình thông qua đối với dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với Dự án Luật Điện lực (sửa đổi); Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến đối với 6 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Nhà giáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

“Chương trình năm 2024 sau khi bổ sung sẽ có 29 dự án, dự thảo do Chính phủ trình, tăng 9 dự án so với Chương trình đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua” - Bộ trưởng Lê Thành Long nói và cho biết Chính phủ đề nghị Chương trình năm 2025 gồm 17 dự án.

Thẩm tra vấn đề trên, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ lập pháp cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI. Thực hiện các giải pháp đề ra trong Đề án Định hướng là 5 năm tiến hành sơ kết, 10 năm tiến hành tổng kết việc thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trường hợp phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc nội dung không còn phù hợp với thực tiễn thì kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đối với những bất cập, vướng mắc thuộc công tác triển khai thi hành thì chỉ đạo chấn chỉnh, thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật để kịp thời khắc phục.

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng nên lùi dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trình tại Kỳ họp thứ 8, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Chính phủ đã có Tờ trình đề xuất đưa dự án Luật này trình tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8. “Tình hình cháy nổ ở nước ta thời gian qua diễn biến rất phức tạp, nhất là tại các hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, các khu dân cư, các cơ sở karaoke. Để nâng cao trách nhiệm cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sát với diễn biến hiện nay, rất cần thiết trình dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 7”-ông Hùng nêu quan điểm.

Theo bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, trong năm 2025 đưa vào 5 dự án Luật do Uỷ ban Tư pháp chủ trì thẩm tra. Bà Nga cho rằng, khối lượng công việc rất lớn, trong đó có Luật Thi hành án dân sự rất phức tạp vì vậy đề nghị lùi lại việc sửa đổi dự án Luật này vào cuối năm 2025 và thông qua năm 2026 để giãn tiến độ cũng như đảm bảo chất lượng của dự án.

Tại phiên họp với 100% đại biểu tán thành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Trước đó, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 18 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản đối với 3 nội dung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng luật, pháp lệnh: Coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO