Cả nước hiện có gần 8 nghìn lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội truyền thống (chiếm 88,36%) còn lại là lễ hội khác. Tuy nhiên, bên cạnh giá trị văn hóa, trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, hoạt động lễ hội đang đứng trước nhiều sự chi phối...
Những tác động chi phối
Có thể nói, lễ hội truyền thống có ở hầu hết các làng, xã Việt Nam. Trong những năm qua, hầu hết các lễ hội từ quy mô quốc gia đến lễ hội trong phạm vi làng xã được tổ chức trang trọng, linh thiêng, thành kính; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân thực sự là chủ thể của hoạt động lễ hội; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng, đảm bảo hoạt động lễ hội phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, trong bối cảnh nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội đang có những biến đổi sâu sắc, hoạt động lễ hội cũng chịu sự chi phối này. Đặc biệt, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống cũng ảnh hưởng làm giảm đi tính tôn nghiêm và nét đẹp văn hóa trong lễ hội.
Đơn cử như, một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng những yếu tố bạo lực, chưa phù hợp với xu thế của thời đại; tình trạng bạo lực, phản cảm ở không ít các lễ hội vẫn còn diễn ra; công tác bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội còn yếu; hiện tượng chen lấn, xô đẩy, đeo bám khách, cờ bạc trá hình còn phổ biến; việc nâng giá dịch vụ, đặt tiền công đức, giọt dầu tùy tiện không đúng nơi quy định vẫn còn tồn tại.
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Lương Đức Thắng nhìn nhận, những bất cập, hạn chế trong một số lễ hội thời gian qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Song nguyên nhân nào dẫn đến những bất cập này, cần có những giải pháp cấp bách và cụ thể như thế nào để thực hiện xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống hiện nay? vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Cũng theo ông Thắng, xuất phát từ thực trạng này, đòi hỏi phải có những công trình nghiên cứu khoa học chuyên biệt và chuyên sâu để xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Do đó, yêu cầu bức thiết đặt ra là, cần phải có tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.
Thay đổi tư duy, nhận thức
Nhìn lại quá trình phát triển lễ hội, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, có một thực tế ngày nay không ít người đi dự lễ hội chủ yếu để cầu xin danh lợi cho cá nhân, cho gia đình mình. Chính vì kém hiểu biết lại quá ham muốn lợi lộc cá nhân, nhiều người đã làm ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt chung của cộng đồng, làm giảm giá trị văn hóa của lễ hội.
Theo TS Nguyễn Anh Cường - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, sự lộn xộn trong lễ hội ngày nay có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một nguyên nhân khách quan là do lễ hội phát triển mạnh vì nhu cầu, tâm thế của người dân đi lễ hội đã khác xưa. Quy mô của lễ hội ngày càng lớn, không còn đóng khung trong phạm vi làng xã, mà đã trở thành lễ hội mang phạm vi vùng, cả nước nhất là các lễ hội tín ngưỡng. Người dân đi lễ hội không chỉ có nhu cầu giải trí, thư giãn mà còn mong muốn được đáp ứng những điều cuộc sống thực tại khó đáp ứng hoặc cầu xin những điều hằng mong đợi, cầu về sức khỏe, tiền tài,quan lộ. Vì thế, lễ hội thường được mở rộng phạm vi, không gian, số lượng người đi lễ hội ồ ạt… cũng gây rất nhiều khó khăn cho việc quản lý.
Có thể nói, dưới tác động của cơ chế thị trường, lễ hội truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức. Thương mại hóa quá mức, tâm lý coi trọng đồng tiền… đã làm biến tướng các lễ hội truyền thống vốn được tổ chức với ý nghĩa rất tốt đẹp.
Vì vậy, để lễ hội truyền thống thực sự là một ngày hội của cả cộng đồng, là nơi con người tìm về với cội nguồn dân tộc, thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước, là nơi vui chơi giải trí lành mạnh, tái tạo sức lao động của con người đòi hỏi phải có sự vào cuộc nghiêm túc và quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như ý thức của tất cả những người tham dự lễ hội. Ở đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tham gia tích cực và thể hiện rõ vai trò quản lý đối với lễ hội truyền thống.
Tuy nhiên, việc xây dựng khung pháp lý cũng cần tôn trọng tính lịch sử và sự tồn tại khách quan của lễ hội, tôn trọng nguyện vọng chính đáng của người dân, tránh tình trạng can thiệp quá sâu, quá thô bạo sẽ dẫn đến nguy cơ làm “cứng hoá” lễ hội, hoặc tạo thành những “môtip” lễ hội đồng nhất, triệt tiêu sự đa dạng, phong phú, đấy cũng là một trong những nguyên nhân làm mất bản sắc của lễ hội truyền thống.
Ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, theo số liệu thống kê, cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội truyền thống (chiếm 88,36%) còn lại là lễ hội khác. Hầu hết các lễ hội từ quy mô quốc gia đến lễ hội nhỏ trong phạm vi làng xã được tổ chức trang trọng, linh thiêng, thành kính; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân thực sự là chủ thể của hoạt động lễ hội.