Phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến 2020 định hướng 2030.
Đến năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định gọi ngày 21/4 là Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay cho tên gọi Ngày sách Việt Nam trước đó. Như vậy, đến giai đoạn này, việc phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đã được đưa lên một tầm cao mới.
Ra đời ngày Sách và tôn vinh văn hoá đọc
Trên thế giới, Tổ chức Văn hóa, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm là “Ngày sách và bản quyền thế giới”. Trong đó xác định rõ mục tiêu là tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả cho sự ra đời của các tác phẩm bất hủ. Đồng thời là dịp để khuyến khích tất cả mọi người nhất là giới trẻ, khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc.
Ở Việt Nam, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Theo Quyết định này thì Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Ngoài ra quyết định còn có ý nghĩa to lớn đối với những người làm công tác viết sách, người làm công tác xuất bản, in ấn và phát hành sách nói riêng và với các tầng lớp nhân dân, các độc giả ở khắp mọi miền đất nước, với kiều bào ở nước ngoài nói chung để góp phần thúc đẩy, khích lệ, cổ vũ cho việc phát triển văn hóa đọc và xây dựng một xã hội học tập ở nước ta.
Trong những năm đầu tiên có Ngày sách Việt Nam, các hoạt động tôn vinh sách và văn hoá đọc được tổ chức khá rầm rộ và phong phú. Đã lan toả một không khí phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng. Nhiều tủ sách gia đình, dòng họ ra đời.
Đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến 2020 định hướng 2030.
Đề án ra đời nhằm cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Để đưa văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, quyết định tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21/4 hàng năm trên toàn quốc.
Tiếp tục khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Đồng thời tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Ngày sách Việt Nam gắn với ngày ra đời cuốn sách “Đường Kách mệnh”
“Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố.
Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện.
Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới.
Trên thế giới, lễ hội sách hay ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội.
Tuy nhiên, vì sao ở Việt Nam lại lấy ngày 21/4 là Ngày sách Việt Nam?
Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Đó là lý do dù Ngày sách và Bản quyền Thế giới là ngày 23/4, thì ở Việt Nam, Ngày sách là ngày 21/4, vừa nằm trong chuỗi hoạt động về sách trong tháng tư cùng thế giới, vừa có ý nghĩa lịch sử và văn hoá riêng đối với Việt Nam.
Những mục tiêu cụ thể
Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến 2020 định hướng 2030 đưa ra các mục tiêu cụ thể. Đến năm 2020 phấn đấu có 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học.
Phấn đấu 20-25% người dân ở khu vực nông thôn, 15-20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành.
Về nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc, Đề án phấn đấu có 40-50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời; 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh, sinh viên là 90%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí.
Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 hướng tới mục tiêu thúc đẩy phối hợp, liên kết giữa các thư viện với trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã; tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, trong đó chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện công cộng tới các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và các trường học, đồn biên phòng, trại giam, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.