Xây dựng một xã hội trọng thị việc đọc sách - Bài 2: Hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ

Cẩm Thúy 23/04/2023 10:04

Hiện nay Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới. Tỉ lệ đọc sách của người Việt Nam thấp vì thói quen đọc của trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, mạng xã hội (facebook, instagram, youtube, tiktok…) đang áp đảo hoàn toàn văn hoá đọc.

Đọc sách cần được đưa vào nhà trường như một tiết học chính thức. Ảnh minh hoạ.

Bình quân mỗi năm một người Việt chỉ đọc 1 quyển sách

Trong khi đó khối Đông Nam Á có 3 nước là Singapore, Malaysia và Indonesia thuộc top này. Mỗi năm bình quân ở Việt Nam vẫn xuất bản khoảng hơn 400 triệu bản sách, tuy nhiên, trong số này có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo kiến thức cho hơn 2,2 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước.

Như vậy, chỉ còn khoảng 100 triệu bản sách chia trên 90 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc bình quân mỗi năm một người Việt đọc chừng 1 quyển sách. Cách đây vài năm, Báo Dân Trí có một cuộc khảo sát đối tượng là giới trẻ cho thấy 98% giới trẻ cho biết họ không hề đọc quyển sách nào trong tuần vào thời điểm được khảo sát; 80% bạn trẻ không đụng đến sách suốt một năm trước đó và chỉ 12% bạn trẻ trong nhóm 20-30 tuổi cho biết bản thân có đọc sách, truyện khác ngoài sách chuyên môn.

Một buổi giao lưu với các bạn trẻ của PGS.TS Trần Thành Nam.

Trở lại với câu chuyện tại 3 quốc gia Đông Nam Á có số lượng người đọc sách cao trên thế giới, thì tiết đọc sách đã trở thành chương trình đào tạo chính khóa trong nhà trường của các nước này. Riêng tại đất nước Malaysia, số đầu sách trung bình của người dân mỗi năm là 12 quyển.

Lý giải về việc tỉ lệ người Việt đọc sách rất thấp, ông Lê Hoàng, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, một chuyên gia rất có kinh nghiệm của ngành xuất bản đã từng phát biểu tại một cuộc hội thảo về sách rằng: “Nguyên nhân chính của thực trạng này theo tôi là do người Việt chúng ta không có thói quen đọc sách từ nhỏ. Đến khi trưởng thành, có muốn cũng khó hình thành thói quen quan trọng này.”

Đây là một thực trạng khi việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức từ gia đình đến trường học. Bố mẹ không đọc sách, không tìm nguồn sách phù hợp, thư viện trường nghèo nàn đầu sách, chương trình học “thiếu vắng” giờ đọc sách… là những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt ít mặn mà với văn hóa đọc.

Điều này cũng là quan điểm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi theo ông, nếu không giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách từ sớm thì càng lớn lên việc này càng khó khăn. Nhà văn chuyên viết truyện cho rằng nếu không được hình thành từ tuổi thơ, việc sau này lớn lên rèn luyện thói quen đọc sách là rất khó khăn.

Đọc lướt tăng lên, đọc nghiền ngẫm đi xuống

Giới trẻ có xu hướng tìm kiếm hình ảnh hơn là con chữ. Ảnh minh hoạ.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong một nghiên cứu về vấn đề đọc của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ GenZ đã đưa ra nhận định: Đây là thế hệ có thói quen làm việc đa nhiệm và tốc độ dẫn đến văn hoá đọc lướt tăng, đọc nghiềm ngẫm đi xuống.

Sự phát triển của khoa học công nghệ, internet và mạng xã hội đã dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức, hành động và thói quen tìm hiểu, học hỏi, khám phá thế giới thông qua đọc sách.

Thay vì phải lật, giở và tìm thông tin trên các trang giấy hoặc đến thư viện, giới trẻ chủ yếu bấm trên thiết bị thông minh, gõ hoặc “search” trên các ứng dụng tìm kiếm. Điều này vừa là thuận lợi của thời đại ngày nay vừa làm chuyển dịch và thay đổi thói quen đọc sách.

Phân tích việc đọc sách của GenZ (những người sinh ra trong giai đoạn 1997-2006), PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: “Thế hệ Z là những công dân số, sống và học tập trong không gian công nghệ tiên tiến, điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen của họ trong việc đọc sách. Sự chú ý của GenZ ngày càng trở nên ngắn hơn, họ có xu hướng tìm kiếm những thông tin hấp dẫn về mặt hình ảnh hơn là con chữ. Vì vậy, cần thêm nhiều nghiên cứu liên quan đến chủ đề này làm cơ sở xây dựng các chính sách khuyến học phù hợp”.

Thanh niên thế hệ Z là những người sinh ra trong giai đoạn 1997 đến 2006 là độ tuổi bao gồm chủ yếu là học sinh THPT, sinh viên và một số người mới đi làm. Nghiên cứu của PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra các đặc trưng tâm lý của thế hệ này ảnh hưởng đến thái độ đọc sách như GenZ thực dụng và thực tế hơn, tham gia kiếm tiền sớm hơn. Họ không còn quá coi trọng học đại học so với thế hệ trước đây. GenZ hiện bị ảnh hưởng và định hướng lớn bởi tinh thần doanh nhân khởi nghiệp, vì vậy, GenZ có nhu cầu tìm đọc các tài liệu liên quan đến tư duy tài chính.

GenZ sinh ra vốn đã là công dân số, vì vậy GenZ tiếp cận và tiêu thụ thông tin nhanh và nhiều hơn (tuy nhiên, việc xử lý thông tin cũng vì vậy mà được dành ít thời gian hơn). Thói quen làm việc đa nhiệm và tốc độ dẫn đến văn hóa đọc lướt tăng, đọc nghiền ngẫm đi xuống nên có thể GenZ thích đọc các tài liệu số hơn là các tài liệu giấy truyền thống.

Hiểu giới trẻ để xây dựng chiến lược phát triển văn hoá đọc

Với các đặc điểm được PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra, có thể thấy khi những công dân số sống và học tập trong không gian công nghệ tiên tiến có khả năng mở rộng các cơ hội truy cập thông tin không giới hạn. Điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen và đặc điểm của họ đối với việc đọc đặc biệt là đọc sách. Sự chú ý của GenZ ngày càng trở nên ngắn hơn, họ có xu hướng tìm kiếm những thông tin hấp dẫn về mặt hình ảnh hơn là âm thanh hay con chữ, được cá nhân hóa theo sở thích. Việc hiểu các đặc điểm của GenZ cũng như các thói quen đọc sách của thế hệ này chính là điểm khởi đầu để kiến tạo thói quen và văn hóa đọc cho các em.

Cần xây dựng kênh đọc sách trực tuyến miễn phí cho học sinh tất cả các vùng miền.

Có những ý kiến đề nghị xây dựng website đọc sách trực tuyến sinh động, phong phú và miễn phí cho học sinh tất cả các vùng miền, cấp học. Website này cung cấp bản mềm sách giáo khoa; có sách văn học, kỹ năng sống, truyền cảm hứng; có sách nói nhiều ngôn ngữ; có mục giới thiệu sách dưới dạng bài viết hay video.

Không còn cách nào khác, hoạt động thư viện cộng đồng cũng buộc phải bắt kịp xu hướng chuyển đổi số của thời đại, sử dụng Internet để kết nối, giúp thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng nguồn thông tin của các thư viện và các xuất bản phẩm một cách dễ dàng thuận lợi hơn, đẩy mạnh số hóa tài liệu để các bạn trẻ có thể đọc trực tiếp bằng điện thoại, máy tính.

Như vậy, nếu thói quen đọc sách không được hình thành rất sớm và được đưa vào nhà trường như một tiết học chính thức thì rất khó để tạo ra một xã hội đọc sách. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, internet, các mạng xã hội (facebook, instagram, youtube, tiktok…) đã và đang ảnh hưởng rất lớn (cả tích cực và tiêu cực) đến mọi hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ, trong đó, văn hóa đọc đang bị lấn át bởi sự lôi cuốn của việc sử dụng mạng internet và các phương tiện nghe, nhìn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng một xã hội trọng thị việc đọc sách - Bài 2: Hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ