Kết luận phần thảo luận kinh tế - xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, ngày 4/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải chú trọng đẩy mạnh xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.
Đây là vấn đề rất quan trọng, là một định hướng chiến lược phát triển kinh tế nước nhà không chỉ trước mắt mà còn rất lâu dài.
Kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, cũng như các nền kinh tế khác, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt với những ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng nguyên liệu từ nước ngoài. Tuy nhiên, với chủ trương đúng đắn thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển sản xuất, chúng ta đã hạn chế được ở mức thấp tác động xấu từ Covid-19.
Cùng với chủ trương, chính sách phù hợp từ Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân… đã chủ động, linh hoạt vượt qua khó khăn. Vì thế, số doanh nghiệp cầm cự được ngày một nhiều hơn, số lao động mất việc có xu hướng giảm. Nhiều địa phương, kể cả địa phương được coi là “tâm dịch” như thành phố Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch để tăng tốc sản xuất kinh doanh, bù lại thời gian ngưng đọng bắt buộc để dập dịch.
Đáng chú ý, nền tài chính Việt Nam được nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá tốt, hoàn toàn có thể vượt qua tác động của Covid-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh, bao gồm 4 nhân tố: Nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối. Thật đáng mừng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 8 tháng tăng 27,9%.
Trong bối cảnh dịch bệnh và cũng từ thực tế vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, có thể nói nền kinh tế của chúng ta đã trụ vững trong sóng gió. Thực tế ấy cũng cho thấy sức mạnh nội tại của nền kinh tế đã không đổ gãy khi mà nội lực đã lớn mạnh. Tuy nhiên, phía trước vẫn là chặng đường gian nan khi mà bóng ma đại dịch Covid-19 vẫn lởn vởn, vẫn hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới; trong đó có những quốc gia là đối tác xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam.
Tới nay, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Điều đó chắp cánh cho nền kinh tế bay lên, nhưng cũng lại là thách thức khi sự cạnh tranh ngày một lớn và nhất là giao thương hàng hóa sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch khi tất cả các quốc gia đều phải đóng cửa để “tự mình cứu lấy mình”.
Bối cảnh ấy đòi hỏi tự ta phải trụ vững, chuẩn bị mọi điều kiện để bứt phá khi điều kiện cho phép.
Do điều kiện lịch sử, đã từng có những thời gian dài nền kinh tế nước nhà phụ thuộc lớn vào nước ngoài, với những gói viện trợ, những gói vay lãi suất ưu đãi, vào dòng vốn FDI… Tất nhiên khi đã phụ thuộc thì cũng kéo theo nhiều hệ lụy vì ở đời không ai cho không ai bao giờ. Nhưng rồi, theo năm tháng, nước ta đã vươn lên thành nước có nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam ngày một gia tăng. Đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế lớn, đầu tư ra nước ngoài. Trong khó khăn mới đến từ đại dịch, càng cho thấy xây dựng được một nền kinh tế tự chủ là vô cùng cần thiết.
Tự chủ cũng chính là nội lực. Trên thực tế, để chống chọi với bão dịch, chúng ta đã quay lại với thị trường trong nước, một thị trường gần 100 triệu dân đã có lúc chưa được chú ý. Sức tiêu thụ của 100 triệu con người không hề nhỏ, từ đó giúp cho sản xuất được duy trì trong điều kiện khó khăn.
Nhưng, cũng từ những gì rút ra từ đại dịch Covid-19 cho thấy cần hết sức chú trọng đến việc giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng từ nước ngoài. Có thể lấy ví dụ từ ngành dệt may. Hiện sản phẩm dệt may của Việt Nam đã có mặt ở nhiều thị trường trên thế giới, nhưng nguyên liệu đầu vào vẫn quá phụ thuộc từ nhập khẩu, kể cả việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nên khi nhập khẩu gián đoạn thì lập tức gặp khó khăn: sản xuất sụt giảm, công nhân thất nghiệp. Hay là hậu cần phục vụ các cảng biển (logistic): Chúng ta vẫn “để trống trận địa” này cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư khai thác, khiến phí dịch vụ tăng cao, trong nước bị thiệt thòi.
Khắc phục những khiếm khuyết cũng là để xây dựng nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào bên ngoài. Đó là việc khó mấy cũng phải làm, vì không thể mãi chấp nhận sự phụ thuộc vào các dòng vốn đi vay, phụ thuộc vào cung cấp nguyên liệu từ nước ngoài còn doanh nghiệp Việt chỉ đóng vai trò gia công mà lợi nhuận được chia là rất ít ỏi.