Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao

HOÀI VŨ (thực hiện) 26/03/2023 09:31

Giáo dục đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Để xây dựng được nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, theo GS.TS.NGND Đặng Thị Kim Chi, cần quan tâm tới người thầy, và đảm bảo các điều kiện để thanh niên đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu khoa học.

PV: Thưa bà, tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0” vừa diễn ra, vấn đề những quyết sách quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số đã được đông đảo sinh viên quan tâm. Là một nhà giáo, bà có suy nghĩ gì?

GS.TS. NGND Đặng Thị Kim Chi.

GS.TS.NGND ĐẶNG THỊ KIM CHI: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội. Giáo dục đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Và ở đây thanh niên chính là nguồn lực lao động chính của đất nước, là những chủ nhân tương lai. Nên những chính sách để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số đang được rất nhiều thanh niên, cũng như đội ngũ làm công tác giáo dục quan tâm.

Về nguồn nhân lực chất lượng cao, dù có nhiều bậc đào tạo khác nhau nhưng theo tôi nằm chủ yếu ở bậc đại học và trên đại học. Đây là nơi thanh niên có nhiều nghiên cứu, sáng kiến, đổi mới sáng tạo nhất. Về cơ bản hầu như nguồn nhân lực của ta đều tốt nghiệp đại học, nghĩa là có bằng đại học, chỉ có điều là chất lượng đào tạo có đáp ứng được yêu cầu hay không? Bởi ta có nhiều đại học, trường đại học nhưng chất lượng đào tạo lại khác nhau.

Có lo ngại rằng khả năng sáng tạo, tư duy ứng dụng của sinh viên của ta còn nhiều hạn chế thì trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ càng khó khăn hơn, thưa bà?

- Theo đánh giá của tôi, không phải chúng ta không có nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu so với Singapore là nước dân số ít, diện tích nhỏ nên chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực của họ cao và vượt trội hơn ta. Còn so với các nước khác trong khu vực thì cũng tương đồng, chúng ta không thua kém họ về chất lượng. Vì thế cũng đừng bi quan về khả năng sáng tạo, tư duy ứng dụng của sinh viên nước ta.

Theo bà, hiện thanh niên đã dám nghĩ, đổi mới và hăng say trong nghiên cứu khoa học?

- Thực tế, tự thân khoa học phải đổi mới. Bởi khoa học phải đáp ứng yêu cầu của xã hội, yêu cầu của phát triển. Nếu cứ mãi đi theo phương pháp nghiên cứu cổ điển thì công trình của anh sẽ không có giá trị. Tự anh sẽ bị đào thải và buộc lòng phải đổi mới. Đổi mới sáng tạo là để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Đây là yếu tố tất nhiên. Bây giờ đưa kỹ thuật số, máy móc thiết bị vào nghiên cứu khoa học, các số liệu sẵn sàng được kiểm chứng xem đúng hay sai, số liệu giả hay thật. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) rất nhanh, chỉ vài phút là có thể tìm ra được. Còn trong nghiên cứu khoa học, phải khuyến khích thì mới say mê.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng gây một áp lực rất lớn tới chất lượng đào tạo cho thanh niên, thưa bà?

- Đúng là có áp lực, nhưng không phải các trường không nhận thức được vấn đề này. Hệ thống đào tạo của chúng ta đã nhận thức được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đón đầu. Nếu muốn phát triển thì phải thay đổi trong cách đào tạo sinh viên. Vừa qua, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã bàn rất nhiều đến phát triển công nghệ số. Rồi nhiều trường đại học đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo. Như vậy hệ thống giáo dục hiện đang “đẩy” công nghệ số vào trong chương trình đào tạo.

Chúng ta nói đến nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao nhưng lại có thực tế một lượng lớn nguồn nhân lực trẻ chất lượng “chảy” sang nước ngoài, thưa bà?

- Nhiều người băn khoăn khi tỷ lệ sinh viên ra đào tạo ở nước ngoài nhiều song số trở về không lớn. Thế nhưng tôi không bi quan bởi trong số ra nước ngoài đào tạo thì có em là do gia đình có điều kiện khá giả, cho đi học chứ không phải có học bổng. Còn những em có học bổng đi học đào tạo ở nước ngoài khi trở về đều là những em giỏi, có đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Có điều cần phát huy hơn nữa tài năng của họ.

Đề tài nghiên cứu của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội có tính ứng dụng cao.

Theo bà cần giải pháp nào để phát huy và xây dựng được nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng sự phát triển đất nước trong bối cảnh kỷ nguyên số?

- Để có nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao theo tôi yếu tố đầu tiên là cần quan tâm là yếu tố “người thầy”. Bởi có thầy giỏi mới có trò giỏi. Hiện lương của giáo viên thấp quá. Nhiều khi tôi phải động viên các học sinh của tôi là giảng viên tại các trường đại học là cần nghiên cứu thêm đề tài khoa học để thêm kinh phí tự nuôi mình. Hiện giờ giáo viên 10 năm kinh nghiệm nhưng lương chỉ có 7-8 triệu đồng/tháng. Nếu không giữ chân “người thầy” họ sẽ sang các trường đại học tư.

Tiếp đó, cần hỗ trợ đối với những thanh niên hiếu học nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em ở địa phương rất giỏi. Có em thi đỗ vào chuyên toán nhưng không đủ tiền đóng học. Như vậy chúng ta có đau xót không? Gần đây chúng ta nói nhiều đến khơi dậy, phát huy đổi mới sáng tạo trong thanh niên nhưng chúng ta phải hành động chứ không phải chỉ hô hào khẩu hiệu. Thanh niên là thế hệ kế cận. Nếu không tạo cho thanh niên ham nghiên cứu khoa học, yêu thích khoa học, đổi mới sáng tạo thì sao chúng ta có thể có được nguồn nhân lực chất lượng cao chứ chưa nói đến đội ngũ nhà khoa học, trí thức. Trong quá trình giảng dạy tôi rất chú ý đến các học sinh ở vùng sâu vùng xa, các em thông minh do tư chất chứ không phải được luyện thi quá nhiều, suốt ngày làm bài tập nhưng đến lúc thi lại không được kết quả cao. Tôi muốn phát hiện những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học để giúp đỡ. Thực tế thì số lượng này cũng khá nhiều. Học sinh nghèo được đi học đã là may, nhưng chính được đi học là điều may nên các em càng cố gắng học. Có những em cần học tiếng Anh vì có những lúc đó là ngôn ngữ chính trong nghiên cứu khoa học, nhưng lại không có tiền để học tiếng Anh. Khi có một dự án của Thuỵ Sĩ, tôi liên hệ để em này vào tiếp xúc phỏng vấn, em đã phải dùng cả tay và chân để diễn tả ý của mình. Tôi nói với họ rằng nếu được giúp đỡ, về sau chắc chắn em đó sẽ trở thành nhà khoa học giỏi. Và đến nay cậu sinh viên đó đã trở thành một trong những nhà khoa học nổi tiếng. Nói như vậy để thấy chúng ta cần phát hiện để hỗ trợ những thanh niên hiếu học, kết quả thành tích tốt nhưng có hoàn cảnh khó khăn.

Việc động viên khuyến khích thanh niên nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám xông pha là vô cùng quan trọng. Thế nhưng cuối cùng vẫn là điều kiện đảm bảo cho họ phát huy niềm đam mê. Vì có đam mê yêu thích thì mới cống hiến, khơi dậy được ý tưởng trong nghiên cứu khoa học. Và trước tiên phải tạo điều kiện cho các em ổn định cuộc sống, có “vốn” để các em nuôi ý tưởng, biến ý tưởng thành những công trình mang lại giá trị thực tế. Chứ không thể vừa làm, vừa phải chạy xe ôm grap để kiếm sống. Cá nhân tôi thấy rằng nếu đầu tư quan tâm thì đó mới chính là nguồn nhân lực chất lượng cao quan trọng đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trân trọng cảm ơn bà!

Ham học và phấn đấu vươn lên là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Cho nên quan trọng là phát hiện ra những sinh viên, thanh niên ham học hỏi, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo để bồi dưỡng. Nhiều em nếu được phát hiện và bồi dưỡng sẽ phát triển tốt. Hỗ trợ học sinh có khó khăn trong kinh tế được học tập đó thực sự là quan tâm chăm lo cho thanh niên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO