Sau các vụ việc quan chức xây nhà không phép, sai phép gây bức xúc dư luận, UBND TPHCM đã chỉ đạo Chủ tịch UBND của 24 quận, huyện thực hiện rà soát, tổ chức cưỡng chế triệt để các công trình không phép, sai phép, đấu tranh ngăn chặn phân lô bán nền và bảo kê cho xây dựng không phép. Mặc dù vậy, thời gian gần đây công tác này tại nhiều nơi vẫn lỏng lẻo.
Các công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn phường 5, quận Gò Vấp. Ảnh Hồng phúc.
Khó cưỡng chế sai phạm trên… đất vàng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế tại một số công trình xây dựng sai phép dù đã có kết luận của thanh tra, kiểm tra, yêu cầu cưỡng chế, thế nhưng một số quận, huyện thừa nhận vẫn chần chừ trong tổ chức cưỡng chế vì nhiều lý do. Đơn cử tại công trình xây dựng không phép tại địa chỉ F4B Trường Sơn (P.15, Q.10) dù đã tồn tại từ trước tết, nhưng mới đây UBND Q.10 mới hoàn tất việc cưỡng chế công trình này. Tương tự, tại công trình xây dựng sai phép, với nguồn gốc đất thuộc sở hữu của một nguyên Chánh Thanh tra xây dựng quận cũng được xử lý rất chậm chạp. Một công trình khác tại 41/7 Sư Vạn Hạnh (Q.10) đã được UBND Q.10 yêu cầu tự tháo dỡ các phần sai phép từ ngày 6/11/2019 nhưng cho đến nay vẫn dây dưa. Điều đáng nói, từ năm 2012 khi phát hiện sai phạm, quận 10 đã lập biên bản xử lý vi phạm, buộc tháo dỡ tổng diện tích xây dựng vi phạm 203,75m2, thế nhưng cho đến nay đã qua 8 năm vẫn xử lý rất chậm, gây bức xúc trong dư luận.
Tại Q.Thủ Đức, tình trạng sai phép rất phức tạp, ngoài trường hợp ông Lê Hữu Thành (nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐND Q.Thủ Đức) và người thân xây dựng không phép 07 nhà xưởng, công trình có diện tích hàng nghìn mét vuông nhưng quá trình xử lý rất chậm, thiếu dứt điểm thì thống kê của Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM trong năm 2019 cho biết đã xử lý đến 144 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có đến 93 trường hợp xây dựng không phép tại quận này.
Theo Chủ tịch UBND Q.4 Trần Hoàng Quân, hiện nay hơn 70% nhà ở của quận có diện tích dưới 21 m2 nên xảy ra tình trạng cơi nới, vi phạm về xây dựng, trong đó có 13 vụ được phát hiện, xử lý trong năm 2019.
Phải xử lý cán bộ “làm ngơ”
Theo chia sẻ của chính những chủ đầu tư bị xử lý bằng quyết định cưỡng chế công trình, nhà ở xây dựng sai phép, không phép, thì dù vừa qua lãnh đạo UBND TP HCM đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý trật tự xây dựng nhưng hiệu quả vẫn như “ném đá ao bèo”. Bà N.Th.M.Ph - một hộ dân mua nhà ở tại công trình xây dựng tại thửa 701, tờ bản đồ số 6 thuộc đường Tam Bình, phường Tam Phú, Q.Thủ Đức - cho biết, sau khi nhận được quyết định cưỡng chế của chính quyền địa phương đối với nhà ở của mình. Sau đó, bà N.Th.M.Ph. cùng một số hộ dân mua nhà ở trên công trình này mới tá hỏa phát hiện nhà ở của mình nằm trên đất cây xanh. Các hộ dân đã đồng loạt làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về hành vi buông lỏng quản lý, không kiểm tra, giám sát hoặc cố tình bao che cho chủ đầu tư xây dựng trái phép nêu trên, dẫn đến nhiều hộ dân do không am hiểu quy định xây dựng, dẫn đến lâm vào tình trạng tiền mất tật mang, thậm chí chịu cảnh “màn trời chiếu đất” khi công trình bị cưỡng chế.
Trước phản ánh của người dân tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh nhiều năm qua về tình trạng resort Tràm Chim tại xã Tân Quý Tây xây dựng trên mặt bằng hàng ngàn công đất nông nghiệp, thế nhưng cũng phải mới đây UBND huyện Bình Chánh mới ban hành quyết định cưỡng chế công trình, yêu cầu bà Trần Thị Minh Trang, chủ resort Gia Trang ở xã Tân Quý Tây trả lại hiện trạng ban đầu toàn bộ phần đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp là đất lúa và đất nông nghiệp khác thành đất phi nông nghiệp để xây không phép hàng chục hạng mục công trình tại resort này đồng thời người dân cũng mong muốn UBND huyện Bình Chánh xử lý nghiêm các cán bộ, lãnh đạo phụ trách địa chính trên địa bàn đã quản lý lỏng lẻo hoặc làm ngơ đối với sai phạm trên, đảm bảo sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Đối với sai phạm của chủ công trình 41/7 Sư Vạn Hạnh, ông Trần Văn Hưởng, nguyên Chánh Thanh tra xây dựng Q.10 cũng được yêu cầu tự tháo dỡ hết các phần vi phạm mà không ảnh hưởng đến kết cấu của công trình, bảo đảm an toàn khi tháo dỡ.
Hiện nay, TP HCM đang cho triển khai thí điểm thành lập các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện, thế nhưng theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, tình trạng xây dựng sai phép, không phép còn diễn biến phức tạp do thành phố gặp khó khăn về nhân sự khi đề án thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện chưa được phê duyệt.