Ngày 3/11 tại Cần Thơ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice”.
Hội thảo góp ý dự thảo Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice” ngày 3/11 tại Cần Thơ.
Thông tin tại hội thảo, ông Ngô Quang Tú – Trưởng phòng Chế biến và Bảo quản nông sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) cho biết, dự thảo quy chế gồm có 7 chương, 23 điều. Trong đó, có những quy định chung, điều kiện đăng ký nhãn hiệu, chất lượng gạo, thủ tục cấp chứng nhận, sử dụng và quản lý chứng nhận…
Hội thảo nhận được các ý kiến từ đại diện các sở ngành liên quan và doanh nghiệp vùng ĐBSCL. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo quy chế có quá nhiều quy định, trình tự thủ tục, hồ sơ rườm rà, phức tạp… Đặc biệt là thời gian thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu quá lâu (tổng cộng mất 54 ngày), gây mất thời gian và tốn kém chi phí.
Trong khi đó, một trong những điều kiện cấp sử dụng nhãn hiệu chứng nhận là doanh nghiệp áp dụng VietGAP và GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương khác trong suốt quá trình sản xuất.
Các ý kiến cho rằng quy định này sẽ hạn chế số lượng đối tượng được cấp chứng nhận vì hiện nay số lượng doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu này còn rất ít.
Gạo Việt Nam cần quy chế nhãn hiệu.
Ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An cho rằng nếu áp dụng VietGAP và GlobalGAP thì rất khó vì hiện tại số doanh nghiệp tại ĐBSCL đạt điều kiện này còn quá ít, thậm chí chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặt khác, theo ông Hồng, hồ sơ đăng ký thủ tục quá nhiều, để đáp ứng hết các điều kiện theo dự thảo này thì hầu như doanh nghiệp không thể…
Theo dự thảo quy chế, Bộ NN&PTNT là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice”. Gạo được đề cập trong quy chế là các loại gạo trắng, gạo thơm trắng và gạo nếp trắng của các giống lúa thuộc loài Oryza sativa L. Sản phẩm gạo mang nhãn hiệu chứng nhận có đặc tính phù hợp với các chỉ tiêu chất lượng trong các tiêu chuẩn quốc gia: TCVN 11888:2017 gạo trắng, TCVN 11889:2017 gạo thơm trắng và TCVN 8369:2010 gạo nếp trắng.
Ông Võ Thành Đô – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết Cục được Bộ NN&PTNT giao làm các thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice” tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Để hoàn thành dự thảo Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia này, cơ quan soạn thảo cần nhiều ý kiến đóng góp, trong đó đang gặp khó khăn trong sự thống nhất về quy định công tác thẩm định. Cùng với đó là quy định áp dụng khoa học công nghệ, đơn vị soạn thảo cũng còn hạn chế, chưa rành lắm về mặt này, cần tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp…
Đây là hội thảo lấy ý kiến lần thứ 3 cho dự thảo quy chế này sau hai lần tổ chức tại Hà Nội và TP HCM. Được biết, Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice” sẽ được hoàn thành và công bố trong năm nay.