Theo Bộ Công thương, dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng vùng Đông Nam bộ đóng góp lớn cho tăng trưởng của cả nước.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước; thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% vốn FDI của nền kinh tế. Về xuất nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia. Đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như: Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), sản xuất công nghiệp trong vùng Đông Nam bộ đã đạt những thành tựu quan trọng; liên tục tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao, góp phần đưa Việt Nam từng bước trở thành một trong những “công xưởng” của thế giới
Mặc dù, vùng Đông Nam bộ là điểm sáng tích cực trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên vùng này cũng bộc lộ điểm yếu trong việc đưa sản phẩm Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sản phẩm Việt tham gia chuỗi cung ứng đa phần là sản phẩm thô, chưa xây dựng tốt thương hiệu Việt để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Vùng Đông Nam bộ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từng bước nâng vị thế, giá trị sản phẩm. Tuy nhiên đến nay, chưa có chiến lược phát triển thương hiệu chung cấp vùng. Các DN trong vùng vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ để hình thành trung tâm sản xuất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Đơn cử, Tây Ninh có 1 DN đạt thương hiệu quốc gia, 6 DN đạt hàng Việt Nam chất lượng cao, 88 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên và nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khác. Đại diện Tây Ninh cho hay, ngoài việc ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất, ổn định chất lượng sản phẩm, ngày càng nhiều DN quan tâm sản xuất các sản phẩm đặc trưng. Trong đó phải kể đến xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm (nhãn mác, bao gói, truy xuất nguồn gốc…) và chuẩn hoá chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chí sản phẩm xuất khẩu theo quy định.
Về vấn đề xây dựng thương hiệu của DN, bà Phan Thị Khánh Duyên – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Nhiều DN thừa nhận do nội lực yếu, chưa tập trung cho xây dựng thương hiệu, chưa định rõ hành lang pháp lý cần thực hiện để bảo vệ thương hiệu tại thị trường nhất là thị trường nước ngoài”. Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng khẳng định, giá trị gia tăng các sản phẩm công nghiệp của vùng chưa cao, sản xuất công nghiệp không có thêm nhiều sản phẩm mới với hàm lượng kỹ thuật cao để tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng của vùng. Chưa có các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao mang thương hiệu Việt, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao còn hạn chế.
Mong muốn vùng Đông Nam bộ thật sự phát triển trong thời gian tới, bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, vùng Đông Nam bộ cần có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp”.
Nhằm xây dựng thương hiệu Việt hiệu quả, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Cục sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ DN nhận thức sâu rộng hơn về thương hiệu thông qua chương trình thương hiệu quốc gia. Đây là hoạt động đặc thù nhằm bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng tạo chỗ đứng vững vàng ở thị trường trong nước và thế giới. Cục sẽ tổ chức nhiều chương trình liên quan tới nhận thức và xây dựng thương hiệu để DN nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của thương hiệu.