Trường học là nơi học sinh dành nhiều thời gian hàng ngày và cũng là môi trường ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát triển của trẻ. Chính vì vậy, làm sao để có một môi trường học tập an toàn, lành mạnh là điều xã hội hết sức quan tâm hiện nay.
Theo Thông tư 18/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, từ năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên cả nước phải tự đánh giá theo tiêu chí trường học an toàn.
50 tiêu chí
Tiêu chí trường học an toàn do Bộ GDĐT ban hành, áp dụng thống nhất trên cả nước, có hiệu lực từ 12/12/2023, bao gồm các nội dung: Cơ sở vật chất, thiết bị, tài liệu, học liệu dạy học; an ninh, trật tự trường học, phòng, chống bạo lực học đường, bảo vệ người học trên môi trường mạng; phòng, chống đuối nước, tai nạn giao thông và các loại hình tai nạn thương tích khác... Tương ứng với mỗi nội dung là các tiêu chí cụ thể. Tổng số tiêu chí trường học an toàn mà các nhà trường cần đối chiếu, áp dụng là 50.
Trong số này, có những quy định về sức khỏe tinh thần và tâm lý của học sinh. Nhà trường cần bố trí không gian riêng để tư vấn tâm lý cho học sinh; có sổ theo dõi công tác tư vấn tâm lý, được ghi chép đầy đủ và bảo mật theo quy định.
Cuối năm học, nhà trường tự đánh giá theo tiêu chí trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích theo hai mức: Đạt và chưa đạt. Kết quả đánh giá trường học an toàn là một trong các tiêu chí để đánh giá, công nhận nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ GDĐT.
Chú trọng tư vấn tâm lý, ngăn bạo lực học đường
Theo quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) Trần Văn Đạt, trường học là nơi học sinh dành nhiều thời gian hằng ngày và cũng là môi trường có ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát triển của các em. Tuy nhiên, học sinh trong các trường học ở Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng, ảnh hưởng lớn tới việc học tập và quyền của trẻ em. Chính vì vậy, công tác tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện liên quan đến công tác tư vấn tâm lý trong trường học.
Đầu tháng 11, Bộ GDĐT đã tổ chức hội nghị tập huấn sử dụng tài liệu và bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tâm lý cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên triển khai tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của hơn 5.500 cán bộ, giáo viên tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc.
Các đại biểu chỉ ra thách thức lớn nhất hiện nay là trong các trường học chưa có vị trí việc làm dành cho công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường. Các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên. Quy trình triển khai thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học nhiều nơi chưa được thực hiện đúng.
Là một trong những trường học của Hà Nội đang triển khai thí điểm mô hình công tác xã hội - tư vấn tâm lý học đường, Trường THCS Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang phải đối mặt với những khó khăn này. Hiệu trưởng Trần Lệ Khanh cho biết nhà trường đã chủ động nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh về công tác tư vấn tâm lý học đường, xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn, tham vấn trong nhà trường cụ thể theo từng năm học, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tâm lý học đường chuyên nghiệp.
Trách nhiệm không của riêng ai
Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông (Hà Nội) Phạm Thị Lệ Hằng chia sẻ, ngay từ đầu năm học, các hiệu trưởng được quán triệt các nội dung chuẩn bị cho năm học mới, được yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm an toàn trường học. Cụ thể, từ sau khai giảng đến tháng 11, các trường học trên địa bàn có kế hoạch tổ chức chuyên đề về an toàn trường học. Trong đó, sẽ hướng dẫn học sinh các kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích khi tham gia các hoạt động giáo dục tại trường và ở bên ngoài nhà trường…. Các trường đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, mời các báo cáo viên tới trường trang bị kỹ năng phòng, chống tội phạm cho các em học sinh, kỹ năng sinh tồn, trong đó có thoát hiểm, cách tự bảo vệ mình và mọi người khi gặp sự cố cháy, nổ…
Sở GDĐT Hà Nội đã công khai số điện thoại đường dây nóng 024.32233111 để tiếp nhận, kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường. Đây là kênh tiếp nhận thông tin về các trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp, hoạt động 24/7.
Từ góc nhìn của một nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng để bảo đảm an toàn trường học, trước hết cần phân loại các nguyên nhân khác nhau gây nên nguy cơ mất an toàn để có giải pháp phòng chống phù hợp.
Chẳng hạn, nếu nguy cơ mất an toàn đến từ cơ sở vật chất như cây đổ, quạt rơi, ghế đá gãy… có thể gây tai nạn cho học sinh, giáo viên thì cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát kỹ lưỡng hệ thống hạ tầng; đề xuất các phương án khắc phục, sửa chữa nếu phát hiện nguy cơ, kịp thời báo cáo cấp trên nếu trường không thể tự thay thế…
“Nhìn chung bộ tiêu chí về trường học an toàn của Bộ GDĐT ban hành đã đầy đủ và bao quát, quan trọng là việc triển khai trong thực tế ra sao. Mỗi trường phải đối mặt với khó khăn riêng, cần linh hoạt các giải pháp. Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã triển khai phòng tham vấn tâm lý từ nhiều năm nay nhưng nguồn nhân lực vẫn là thách thức không nhỏ” – ông Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, đối với các trường công lập, do chưa có biên chế cho vị trí việc làm này nên phần lớn vẫn là giáo viên kiêm nhiệm. Bước đầu có thể phát hiện vấn đề của học sinh nhưng để giải quyết triệt để vẫn cần đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp.
Sẽ có thêm vị trí tư vấn tâm lý học đường trong trường học
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã thống nhất với Bộ Nội vụ tới đây có thêm một vị trí chuyên về tư vấn tâm lý học đường. Trước đây vị trí này hoạt động kiêm nhiệm một số giờ nên rất hạn chế. Với nguồn nhân lực của ngành đào tạo trong các trường sư phạm một năm khoảng 9.000 nhân lực cộng thêm đào tạo tăng cường thì có thể đáp ứng. Bên cạnh đó, vị trí giáo vụ trong nhà trường cũng sẽ hỗ trợ các vấn đề liên quan đến phát hiện, ngăn chặn bạo lực học đường. Để ngăn chặn bạo lực học đường, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cần phải áp dụng loạt giải pháp có tính chất tổng thể với sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó nhấn mạnh sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh.Phụ huynh cũng phải tăng cường xử lý những vấn đề phát sinh bạo lực học đường liên quan đến con em của mình. Đặc biệt, tiến hành thật tốt triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu quan trọng là phát triển con người, nâng cao phẩm chất, nhân cách, đạo đức. Đó là yếu tố mang tính nền tảng gốc rễ để chúng ta có thể triển khai giải quyết tận gốc những vấn đề về bạo lực học đường.
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam:
Tham vấn tâm lý học đường cần cho cả học sinh và giáo viên
Bên cạnh khoảng trống tham vấn tâm lý cho học sinh ở nhiều cơ sở giáo dục hiện nay, sức khỏe tinh thần của giáo viên cũng chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều giáo viên hiện chưa hoặc ít tìm đến sự hỗ trợ tâm lý vì chính các thầy cô quan niệm mình phải cứng rắn hơn, phải hỗ trợ tâm lý cho người khác nên không thể hiện sự yếu đuối, mất cân bằng hoặc đang cần sự trợ giúp. Nhiều trường học đã có phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng lại mặc định chỉ giải quyết các vấn đề của học sinh, trong khi để tạo lập môi trường sư phạm văn minh, hạnh phúc thì cần cả giáo viên và học sinh đều hạnh phúc.