Xây dựng trường học hạnh phúc là tập trung vào trường học an toàn, giải quyết các mối quan hệ dựa trên sự thấu cảm, yêu thương và tôn trọng – những tiền đề như vậy sẽ tạo cho các em học sinh và các bên khác có động lực để phát triển bản thân mình và có sự thay đổi trong nhận thức về những giá trị trong giáo dục.
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đây có thể coi là giải pháp hữu hiệu để giảm tình trạng bạo lực học đường trong thời gian này và tiếp theo.
Nhìn nhận về tình trạng bạo lực học đường hiện nay, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, đây đã và sẽ vẫn là vấn đề nan giải trong mỗi trường học nói riêng và trong hệ thống giáo dục nói chung. Lý do là vì chúng ta đang thực hiện các chiến lược phát triển giáo dục với rất nhiều mục tiêu giáo dục mới, cả những cách làm cũ. Giáo dục cũng chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội không ngừng thay đổi. Giáo dục bị xâm lấn bởi mạng xã hội, công nghệ và cả những yếu tố liên quan đến phẩm chất năng lực của các em học sinh. Làm sao để các em thích nghi được với sự thay đổi này, biết tự chịu trách nhiệm, rèn giũa bản thân mình là việc không đơn giản và không phải lúc nào giáo dục cũng có thể giải quyết được ngay.
Trong bối cảnh đó, khoảng thời gian 5 năm trở lại đây ở Việt Nam tập trung vào giải pháp xây dựng trường học hạnh phúc. Kết quả ban đầu đánh giá ở các địa phương hoặc các trường học đang thực hiện trường học hạnh phúc theo cách phù hợp. Điều tích cực mà chúng ta nhìn thấy là ở các trường học tập trung xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc thì đều giảm rõ rệt, có thể khẳng định hầu như bạo lực học đường khó xảy ra ở những trường học này.
Lý do vì giải pháp của trường học hạnh phúc thực sự tập trung vào việc làm cho nhận thức của người dạy, người học, cấp quản lý, nhân viên trong nhà trường… về việc thay đổi mục tiêu của giáo dục không tập trung vào thành tích mà tập trung vào các mối quan hệ và quá trình phát triển bản thân của mỗi người.
Qua theo dõi triển khai trường học hạnh phúc và Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng tôi nhận ra áp lực của đổi mới từ phía các giáo viên và các nhà quản lý. Rất tiếc áp lực này lại đến từ việc thầy cô cảm thấy đang làm thêm việc thay vì tư duy phải thay đổi cách làm việc để giảm tải, để giáo viên tự chủ, tự tin để phát triển bản thân.
“Có nhiều người nói rằng tôi phải làm việc này của trường học hạnh phúc mà quên mất rằng trường học hạnh phúc là giải pháp, không phải là việc” – bà Thơ nói và lấy ví dụ trong dạy học môn tích hợp, giáo viên sẽ cảm thấy mệt, khổ nếu như mình chỉ có một chuyên môn về Hóa học nhưng lại phải chịu trách nhiệm với Vật lý, Sinh học. Tại sao chúng ta không tư duy theo giải pháp của trường học hạnh phúc? Đó là xây dựng nhóm để các giáo viên 3 môn này làm việc, hợp lực với nhau để làm các dự án học tập cho học sinh, không phải chỉ dạy theo bài, theo tiết? Những điều đó đang rất thách thức trong nhà trường. Người hiệu trưởng phải là người đầu tiên thay đổi, để họ biết cách tạo ra mô hình vận hành trong trường mình để hướng dẫn các giáo viên, đồng nghiệp cùng thực thi.
Nếu tư duy thay đổi là thêm việc thì sẽ càng áp lực. Còn sự thay đổi về thể chế, chính sách bao giờ cũng chậm hơn rất nhiều so với thực tiễn. “Cơ hội luôn có, chỉ cần các nhà trường tập trung vận dụng tối đa quyền và cơ hội của mình để hướng dẫn các giáo viên, phụ huynh, từ đó tạo động lực cho họ làm việc thì sẽ không điều gì làm khó được giáo viên. Thầy cô hạnh phúc sẽ lan tỏa tới học trò, bạo lực học đường sẽ không còn đất sống” – PGS. TS Chu Cẩm Thơ khẳng định.