Những hội chợ sách mới, sách cũ “đến hẹn lại lên” trong thời gian qua, nhìn ở góc độ nào đi nữa, đều là tín hiệu đáng mừng. Đặc biệt, bằng việc TP Hồ Chí Minh mở đường sách Nguyễn Văn Bình và mới đây là Hà Nội cải tạo phố 19/12 thành phố sách, cho thấy những nỗ lực thực sự để duy trì, phát triển văn hóa đọc, bồi đắp cái gốc nhân văn cho thế hệ trẻ.
Hội chợ sách mở ra nhiều, đáp ứng nhu cầu của mọi thành phần trong xã hội. Ảnh: Hữu Thái.
1. Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế lần thứ IV vừa diễn ra tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) doanh thu hơn 10 tỷ đồng, một lần nữa cho thấy những hoạt động định kỳ liên quan đến sách và văn hóa đọc nếu được tổ chức bài bản, hợp lý sẽ thu hút rất đông công chúng, chẳng khác gì những sự kiện giải trí khác. Cứ nhìn dòng người chen chân đến chọn sách, bất kể có lúc thời tiết không quá ủng hộ, mới thấy tình yêu sách vẫn như mạch ngầm.
Người xưa vẫn nói “thư trung hữu ngọc”, những cuốn sách mộc mạc xù xì ngày xưa trong những gian sách cũ, hay những đầu sách mới, được đóng hộp bọc nilon vừa ấn hành chất chứa bao tâm huyết của giới xuất bản. Song, gạt qua “cái áo” khoác ngoài, chỉ những người chịu khó đào sâu khai thác thì sẽ thu nhận được cả kho báu trong đó.
Tất nhiên, khai thác hiệu quả đến đâu lại còn tùy thuộc vào trình độ, mức tiếp nhận của từng độc giả. Trên thực tế, không ít những cuốn sách truyền cảm hứng, góp phần làm thay đổi nhận thức, thậm chí còn làm thay đổi cuộc đời của con người.
Sách là kho báu tri thức của nhân loại. Bằng việc viết sách và đọc sách, con người đưa xã hội loài người ngày càng đạt đến những tầm cao mới. Từ chối đọc sách chính là con người từ chối tiếp nhận văn hóa. Bên cạnh đó, đọc sách mà thiếu sự chọn lọc thì cũng không tạo được nền tảng văn hóa đọc cho bản thân mình.
2. Giới chuyên gia định nghĩa văn hóa đọc ở nghĩa rộng chính là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Còn ở nghĩa hẹp, văn hóa đọc là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.
Có thể thấy nhiều năm qua những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo điều kiện cho ngành xuất bản phát triển vượt bậc. Theo thống kế, hiện, mỗi năm ngành xuất bản cho ra đời xấp xỉ 25.000 tên sách. Tuy vậy, lại có một nghịch lý, cái thời sách xuất bản hiếm hoi khó khăn, chất lượng sách xấu, giấy đen xỉn, chữ lòe nhòe rất tức mắt thì người ta chờ đợi, nghiến ngấu đọc. Còn khi sách ê hề, đẹp với đủ mọi công nghệ tiên tiến, nhẹ bỗng, in 3D thì sách lại không quý giá như trước.
Nhà văn Lê Phương Liên - một người từng có nhiều năm làm biên tập ở NXB Kim Đồng nhìn nhận, giới trẻ hiện nay đọc khác thời xưa. Vấn đề văn hóa đọc của giới trẻ hôm nay là kết quả tổng hợp của các vấn đề xã hội như giáo dục, truyền thông, công nghệ giải trí... “Theo tôi, việc tổ chức các Hội sách có ý nghĩa tích cực, giúp cho các nhà xuất bản, nhà sách, các tác giả có dịp để gặp gỡ trao đổi giao lưu với bạn đọc. Các tác giả trẻ, các cuốn sách mới sẽ được tuyên truyền cho bạn đọc”- nhà văn Lê Phương Liên nói.
Theo bà Liên, những hội sách mở ra tuy nhiều, nhưng ý nghĩa tích cực nhiều hơn phần hạn chế. “Tuy nhiên ta cũng chưa thể hoàn toàn lạc quan khi chỉ nhìn vào doanh thu của các hội sách để đưa ra kết luận về sự phát triển của văn hóa đọc”- bà Liên nhấn mạnh, đồng thời gợi mở: Cần tổ chức tốt hơn nữa việc thảo luận sách, hướng dẫn đọc sách. Cần có sự góp sức của các thư viện cộng đồng để giúp việc truyền bá các tác phẩm có giá trị tới những vùng sâu vùng xa chưa có cơ hội tổ chức hội sách và nhân dân chưa có tiền mua sách.
Sách và khởi nghiệp T.H |
3. Để xây dựng văn hóa đọc thì bản thân mỗi người cũng tự nỗ lực tạo thói quen đọc sách và nâng cao khả năng đọc sách của chính mình. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, bản thân nhà trường và đặc biệt là các bậc phụ huynh chính là những nhịp cầu để dẫn các em hình thành thói quen đọc sách. Nếu các thầy cô giáo, cha mẹ không đọc sách thì rất khó thuyết phục được các em cầm sách lên đọc.
Còn GS Chu Hảo từng nêu ra một thực tế, đó là “suốt mấy chục năm nay, trong tất cả các cấp học, từ phổ thông cho đến đại học, người ta chưa bao giờ nghĩ đến việc tập cho học sinh có được một thói quen đọc sách, hướng dẫn cho các em lựa chọn sách, cách đọc sách”. Điều đó dẫn đến tình trạng có người suốt đời chỉ biết đến mặt những cuốn sách giáo khoa là cùng. Ngay trong mỗi gia đình, nếu không có tủ sách và ông bà bố mẹ không coi đọc sách như một thói quen và làm gương cho con cháu thì đương nhiên thế hệ sau cũng chả mặn mà gì với sách. Không thể phủ nhận các thiết bị điện tử và các phương tiện giải trí khác có sức hấp dẫn hơn, hợp xu thế thời đại hơn nhưng cũng đừng đổ lỗi cho chúng. Mỗi thứ là một “kênh” khác nhau, có tác dụng bổ trợ cho nhau. Với những cá nhân có “gốc rễ” mạnh sẽ tự nhận thức được điều đó, tự cân bằng được các nhu cầu của bản thân để sách không bị loại trừ.
Văn hóa đọc của mỗi cá nhân tạo thành văn hóa đọc chung của cả cộng đồng. Văn hóa đọc của từng người thể hiện chính bản sắc của con người đó. Người thích đọc sách văn chương thì tâm hồn bay bổng lãng mạn. Người thích đọc sách khoa học thì kiến thức sâu rộng uyên thâm. Người ham mê kinh tế kỹ thuật thì sẽ rút ra cho mình được vô khối kinh nghiệm làm giàu hay bổ sung vốn hiểu biết về chuyên ngành mình yêu thích. Vì thế, cần xây dựng văn hóa đọc để thành một người có văn hóa cũng chính là tự bồi đắp gốc rễ cho mình bền chặt, vững chãi vậy.