Nhiều người dân ở xóm Mới xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) rất bất bình khi chính quyền xã quyết định xây dựng nhà văn hóa xóm trái với quy hoạch, không đầy đủ hồ sơ xây dựng. Dù dựa vào nhiều lý do, nhưng quan trọng là lòng dân chưa thuận, nên đã có không ít tâm tư.
Sân vận động ở Đồng Cồn, nơi đã quy hoạch làm nhà văn hóa xóm Mới.
Quy hoạch một nơi, làm một nẻo
Xung quanh vấn đề đi đến quyết định làm nhà văn hóa ở xóm Mới có nhiều “lùm xùm” khiến lòng dân không thuận. Ông Phan Đăng Nhật (làm xóm trưởng xóm Mới từ năm 2009-2014) cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2013 cơ quan chức năng huyện Can Lộc, UBND xã Xuân Lộc cùng cán bộ xóm đã về khảo sát vị trí xây dựng nhà văn hóa và sân vận động của xóm tại khu vực vùng đất Đồng Cồn.
Năm 2014 xóm huy động sức dân làm sân vận động với số tiền hơn 10 triệu đồng, từ đó đến nay con em trong xóm đều ra đấy đá bóng, vui chơi. Năm 2016, xã tiến hành đấu giá một số lô đất của xóm để lấy kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa xóm, số còn lại do dân đóng góp. Tuy nhiên, đến ngày 28/7, xóm Mới đã tiến hành động thổ xây dựng nhà văn hóa ở vùng chùa.
Trước đó, ngày 7/5/2015, chi bộ xóm Mới bàn tính chủ trương xây dựng nhà văn hóa tại vùng chùa. Số đảng viên chính thức là 25 người, đến lúc bỏ phiếu còn lại 24 người (do có con nhỏ nên xin về trước). Số phiếu phát ra là 24 nhưng lại thu vào 26 phiếu.
“Việc làm của tổ kiểm phiếu là không minh bạch. Sau khi công bố kết quả, đa số đảng viên không đồng tình với cách làm của tổ kiểm phiếu nên đã bỏ về sớm”- ông Thái Đăng Sở, đảng viên chi bộ xóm Mới cho biết.
Sau đó, chi bộ xóm tổ chức thêm 2 cuộc họp nữa, cuộc cuối cùng các đảng viên bỏ phiếu với tỷ lệ 16/27 và thống nhất làm nhà văn hóa ở vùng chùa. Ngày 20/6/2016, xóm tổ chức họp dân với nội dung bầu ban giám sát, thủ kho, bảo vệ để tiến hành xây dựng nhà văn hóa.
Đa số người dân yêu cầu phải lấy lại ý kiến của nhân dân nhưng không được vị xóm trưởng đồng ý. “Trước đó xóm tổ chức họp nhưng dân không đồng ý nên nhiều người đã bỏ về sớm. Sau đó, ông xóm trưởng vẫn tổ chức lấy ý kiến và kết quả đạt 90% trên tổng số 21 người. Trong khi đó, xóm Mới có 145 hộ dân với 420 nhân khẩu”- ông Phan Đăng Nhật kể.
Ngày 28/7/2016 xóm tiến hành động thổ có sự chứng kiến của đại diện của UBND xã Xuân Lộc, trong khi chưa có trong tay hồ sơ thiết kế, dự toán, chưa có người nhận thầu và đặc biệt là trái với quy hoạch. Việc làm này khiến nhiều người dân không đồng tình. Thấy “bất ổn”, UBND xã Xuân Lộc đã làm văn bản gửi cán bộ và nhân dân xóm Mới yêu cầu tạm dừng thi công nhà văn hóa.
Mặt khác, cùng ngày hôm đó, UBND huyện Can Lộc cũng gửi công văn số 927, yêu cầu tạm dừng thi công công trình để xóm và xã hợp lý hóa thủ tục gửi lên huyện.
“Ngay trong ngày 28/7, để hợp lý hóa hồ sơ, thủ tục, cán bộ xóm đã đến từng nhà dân vận động nhân dân ký vào danh sách đồng ý chuyển sang làm nhà văn hóa ở vùng chùa. Chứng tỏ việc xây nhà văn hóa ở đây chưa được sự đồng tình của người dân, trái với quy hoạch nhưng vẫn được chính quyền làm cho làm”- ông Sở bức xúc nói.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, cụ Phan Đăng Tuyên (92 tuổi), người cao niên trong làng cho biết: Theo gia phả nhà họ Thái Đăng, ngôi chùa cổ do ông Thái Đăng Du xây dựng cách đây 300 năm. Sau này thịnh vượng, dân làng đóng góp trùng tu thành ngôi chùa cùng nhau thờ phụng. Chùa không chỉ là nơi tâm linh mà trước đây còn là căn cứ cách mạng những năm 1930-1931, nên các cụ cao niên trong làng xin phục chế lại ngôi chùa cho đến tận bây giờ.
“Sau này, xã đã cắt một phần đất nhà chùa chia cho người dân làm đất ở. Giờ còn lại một phần, dân làng chúng tôi muốn để thờ tự. Hơn nữa, xây dựng NTM đã có quy hoạch được huyện duyệt rồi, không có lý gì phải lấy đất chùa. Chùa là nơi thanh tịnh và có khuôn viên vậy mà phía trước cấn nhà dân, phía sau nhà văn hóa áp sát thì làm sao thanh tịnh cho được”- cụ Tuyên nói.
Khu vực bỏ móng làm nhà văn hóa xóm Mới ở vùng chùa đang gây xôn xao dư luận.
Bất nhất
Ông Thái Đăng Thao - Bí thư chi bộ xóm Mới chia sẻ: Trong vấn đề làm nhà văn hóa đúng ra thì chi bộ chỉ nên định hướng chứ không nên bỏ phiếu. Tôi mới làm bí thư được 5 tháng, chân ướt chân ráo nên cũng không nắm được điều này. Nhưng khi chi bộ quyết định làm nhà văn hóa ở vùng chùa thì chưa điều chỉnh quy hoạch và đây là khu vực di tích có lịch sử trên 300 năm nên nhiều người dân không đồng thuận.
Theo tính toán của ông Thao, để hoàn thiện được nhà văn hóa xóm Mới ở vùng Chùa phải hết 900 triệu đồng, trong đó phần cứng hết 600 triệu, còn đổ đất lấp hồ làm móng và chi phí khác phải 300 triệu.
Trong đó, tiền bán 7 lô đất trong xóm được gần 400 triệu đồng, xã hỗ trợ 30 triệu, huyện hỗ trợ 50 triệu nhưng đã làm đường và mương bê tông hết 30 triệu rồi nên chỉ còn 450 triệu. Như vậy dân xóm Mới phải đóng góp thêm 450 triệu mới làm nổi nhà văn hóa, tính ra mỗi khẩu phải đóng từ 1,5-2 triệu đồng.
Trong khi đó nếu làm nhà văn hóa ở vùng Đồng Cồn thì chi phí sẽ ít hơn vì trước đây xóm đã đắp đất làm sân vận động bằng phẳng còn ở vùng Chùa lại là một cái hồ sâu. Đặc biệt, nếu xóm và xã huy động được sức dân, nhận được sự đồng thuận cao sẽ giảm được nhiều chi phí nhân công.
Trao đổi với PV về những “xôn xao” trong việc làm nhà văn hóa xóm Mới, ông Phan Xuân Phượng- Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho biết: Trong quá trình triển khai thì xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều. Một số hộ dân thích xây dựng ở Đồng Cồn, một số hộ dân lại thích ở khu vực bên chùa. Về quy trình, chúng tôi đã giao cho xóm làm chủ đầu tư, tất cả đều do xóm tự bàn, tự thu, tự chi và tổ chức triển khai trên cơ sở UBND xã hỗ trợ một số nguồn kinh phí.
“Đến nay chúng tôi cũng đã nhờ được các công ty làm hồ sơ, lập dự toán thiết kế nhà văn hóa xóm và có quy hoạch khu trung tâm tâm linh nhà văn hóa xóm Mới tại khu vực chùa. Sắp tới chúng tôi sẽ thông qua quy hoạch và hồ sơ thiết kế dự toán cho cấp ủy và xóm đồng thời lấy ý kiến của nhân dân để tiến hành triển khai”- ông Phượng nói.
Khi PV đặt câu hỏi: Trước đây đã có quy hoạch xây dựng nhà văn hóa ở khu vực Đồng Cồn chưa? Ông Phượng khẳng định: “Trước đây chưa có quy hoạch ở Đồng Cồn”. Tuy nhiên, sau đó vị chủ tịch này lại đính chính: “Chúng tôi đang xin điều chỉnh quy hoạch…!?”.
Thiết nghĩ, để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, chính quyền địa phương phải thực hiện theo lộ trình hợp lý, tính toán chặt chẽ để giảm gánh nặng đóng góp cho dân. Nhất là phải huy động được nội lực trong dân, phát huy được tinh thần đại đoàn kết. Nhưng cách làm của chính quyền xã Xuân Lộc và xóm Mới chưa thực sự thấu đáo, gây bức xúc dư luận.