Có nhiều ưu đãi về lộ trình, khung giờ, nhiên liệu, bến bãi và đặc biệt là được ngân sách chu cấp 1.000 tỷ đồng trợ giá hàng năm nhưng hoạt động xe buýt ở TP HCM không những không phát triển mà còn có chiều hướng đi xuống. Thậm chí có ý kiến cho rằng xe buýt đang đi “lạc đường”.
Theo đó, mục tiêu quan trọng nhất khi vận hành xe buýt là tăng lượng hành khách thì không đạt được. Nhiều ý kiến cho rằng, TP HCM nên xem xét lại hoạt động trợ giá xe buýt. Bởi, lượng kinh phí lớn nếu đầu tư, phân phối chưa hợp lý, hiệu quả thấp nhưng vẫn kéo dài triền miên nhiều năm sẽ gây lãng phí. Trong khi, nhu cầu nguồn vốn giao thông trong các lĩnh vực hạ tầng, vận tải khác cũng cấp bách, trước tình trạng ùn tắc kẹt xe đang ngày một nan giải ở thành phố.
Không những không đạt được các mục tiêu, thời gian gần đây hoạt động của xe buýt còn ảnh hưởng nhiều đến các phương tiện khác, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Với diện tích cồng kềnh, nhiều tuyến đường xe buýt gần như choán hết chỗ của các phương tiện khác. Vì vậy, mỗi lần xe buýt dừng đón trả khách là hàng trăm phương tiện khác phải dừng theo. Đặc biệt, tình trạng mất an ninh trật tự, tệ nạn trộm cắp trên xe buýt vẫn diễn ra dai dẳng khiến nhiều hành khách đã không muốn sử dụng phương tiện này. Thực tế, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các loại phương tiện giao thông ở TP HCM đã thay đổi rất nhiều nhưng hoạt động của hệ thống xe buýt không có gì đổi mới, gần như giậm chân tại chỗ. Hiện nay, các dịch vụ như GrabBike dù là hoạt động tư nhân không có trợ giá nhưng lại có nhiều ưu điểm và giá thành cũng không chênh lệch quá nhiều so với xe buýt khiến những hành khách bình dân cũng quay lưng với dịch vụ này.
Vẫn biết hoạt động của xe buýt nhằm phục vụ đời sống di chuyển của người lao động nghèo, các em học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp. Tuy nhiên cần có phương án sử dụng nguồn tiền trợ giá hợp lý, nhằm tăng cường hiệu quả các hoạt động giao thông công cộng khác thiết thực, phù hợp hơn.