Trong thời gian qua, bên cạnh việc xuất hiện các loại taxi Uber, Grab cạnh tranh khốc liệt với taxi truyền thống, thì ở một số tỉnh, thành phố lớn trên cả nước đã bắt đầu xuất hiện các dịch vụ xe ôm được book qua mạng. Với chiếc smart phone, giờ người ta có thể ngồi nhà để đặt xe ôm mà không cần ra đường “ngoắc”, vừa phải hít bụi mà chưa chắc đã có xe. Sự tiện lợi đó chính là ưu điểm nổi bật của loại hình này khiến các bác chạy xe ôm truyền thống chỉ còn biết ngồi... buồn.
Ngoài việc đáp ứng theo nhu cầu cần di chuyển của người sử dụng dịch vụ rất nhanh, loại hình xe ôm đặt qua mạng còn một loạt ưu điểm ăn đứt xe ôm truyền thống, đó là tính đúng, tính đủ theo số km hiện trên ứng dụng, vừa rẻ không sợ bị “cứa cổ”, vừa an tâm không sợ bị lừa vì tên tuổi của người lái xe ôm cũng có trong thông tin đặt dịch vụ. Đó chính là lý do mà hiện người dân đều có xu hướng muốn đặt xe ôm qua mạng chứ không còn muốn sử dụng dịch vụ xe ôm vẫy ngoài đường nữa.
Đương nhiên khi loại hình “xe ôm công nghệ” ngày càng chiếm được lòng tin và sự hài lòng của khách hàng thì cũng đồng nghĩa với việc xe ôm truyền thống ngày càng thất thế. Chính vì thế mà một số người cho rằng, sự ra đời của xe ôm công nghệ đã “đạp đổ nồi cơm” của họ. Nghĩ không thông, một số người còn chọn biện pháp tiêu cực là “dằn mặt” cánh xe ôm công nghệ để giành khách. Vì thế đã xảy ra không ít vụ ẩu đả, hành hung giữa những người chạy xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ.
Một số người cho rằng cần dẹp bỏ các loại hình taxi Uber, Grab, cũng như loại hình xe ôm công nghệ để bảo vệ taxi và xe ôm truyền thống. Cơ sở để họ đưa ra lý lẽ trên rất nhiều, nào là khó kiểm soát thu nhập doanh nghiệp cũng như thu nhập cá nhân của các lái xe taxi dễ dẫn đến việc trốn thuế; nào là những người chạy xe ôm truyền thống đa số là những người nghèo, không có công ăn việc làm ổn định... Lập luận trên thoạt nghe không phải là không có lý, song nếu phân tích kỹ thì thực chất đó lại là hành động kéo lùi sự phát triển của một xã hội văn minh, hiện đại.
Nói như vậy bởi lẽ, nếu các cơ quan quản lý nhà nước thực sự vào cuộc thì không có doanh nghiệp nào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có thể trốn thuế, việc kiểm soát thu nhập của lái xe taxi Uber, Grab hay xe ôm công nghệ cũng không phải là điều quá khó. Còn những người chạy xe ôm truyền thống nếu thực sự có hoàn cảnh khó khăn thì hoàn toàn có thể gia nhập đội ngũ những người chạy xe ôm công nghệ. Như vậy không những vẫn giữ được “nghề”, mà còn có thu nhập cao hơn, ổn định hơn, lại hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Vẫn sẽ có người cho rằng, đã là người nghèo thì lấy đâu ra tiền mua smart phone để tham gia đội ngũ xe ôm công nghệ. Xin thưa, đó cũng chỉ là một cách biện bạch mà thôi. Bởi lẽ, smart phone có rất nhiều chủng loại với những mức giá khác nhau…
Nhìn rộng ra ở những lĩnh vực khác, không ít các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước thời gian qua vẫn thường xuyên kêu ca, phàn nàn, rồi đề nghị Chính phủ có những động thái can thiệp, bảo hộ trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài đang tràn vào thị trường nội địa. Việc bảo vệ doanh nghiệp trong nước là điều đương nhiên không thể bàn cãi, song cũng không thể vì họ mà bỏ qua cơ hội sử dụng các loại sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, giá thành rẻ cho người tiêu dùng. Trên thực tế, để cân bằng được 2 thái cực này quả là bài toán đau đầu của các nhà quản lý.
Nói gì thì nói, một mặt vẫn phải bảo vệ doanh nghiệp trong nước, vẫn phải đảm bảo người tiêu dùng được tiếp cận được các sản phẩm, dịch vụ giá rẻ có chất lượng tốt, nhưng tuyệt nhiên không thể cưỡng lại, hay đi ngược với xu thế phát triển chung của một xã hội văn minh, hiện đại. Thay vì “há miệng chờ sung”, đợi sự bảo hộ của Nhà nước bằng các biện pháp hành chính, các doanh nghiệp hãy tự cứu mình bằng việc tích cực đổi mới công nghệ, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đang ùa vào theo các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước.
Theo lẽ trên, xe ôm truyền thống tự vận động, đổi mới mình theo hướng hiện đại hơn thì mới có thể tồn tại.