Trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản (BĐS) khát vốn, không có tiền để triển khai dự án, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng sẽ tháo gỡ riêng tùy từng trường hợp dự án BĐS. Động thái này được các doanh nghiệp BĐS mong ngóng.
Tùy từng trường hợp
Trước những khó khăn về dòng tiền của doanh nghiệp (DN) BĐS, Bộ Xây dựng đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN ) điều hành hạn mức tín dụng phù hợp; giãn nợ gốc, lãi vay cho các DN BĐS khó khăn (DN, dự án BĐS phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng,...); đồng thời tạo điều kiện cho các DN, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực làm việc với các DN để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.
Trước đó, NHNN cho biết khó cơ cấu nợ, giãn nợ cho riêng nhóm DN BĐS vì đây không phải là lĩnh vực ưu tiên, nếu giãn nợ cho DN BĐS thì DN các ngành khác cũng đòi hỏi tương tự.
Tuy nhiên, NHNN nhận thấy ý kiến từ Bộ Xây dựng là rà soát, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án nào gắn với sản xuất kinh doanh, với thương mại và dịch vụ, thì sẽ có ứng xử về các giải pháp tháo gỡ riêng. Nếu Bộ Xây dựng phân loại, ngành ngân hàng cũng có cơ sở để thực hiện hỗ trợ.
Mới đây, Agribank là ngân hàng đầu tiên lên tiếng về việc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng BĐS, bao gồm cả cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giảm lãi vay (tối đa 3%) với DN BĐS.
Còn Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, quan điểm của Vietcombank với lĩnh vực BĐS có định hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào BĐS phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, BĐS để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng.
Tại Vietcombank, lĩnh vực BĐS được chia thành 4 phân khúc và ngân hàng đã xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp cho từng phân khúc khách hàng, cũng như phân khúc sản phẩm trên thị trường; thực hiện rà soát, cập nhật kịp thời theo triển vọng, mức độ rủi ro đối với từng nhóm tiểu ngành nhằm hỗ trợ kịp thời đối với các khách hàng trong từng lĩnh vực BĐS.
Áp lực dòng tiền rất lớn
Theo thống kê, hiện nay, các DN BĐS đang nợ ngân hàng khoảng 825.000 tỷ đồng và nợ các trái chủ khoảng hơn 400.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Chuyển nhóm nợ đang là nỗi lo lớn nhất của DN BĐS hiện nay, khi áp lực trả nợ ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu DN đến cùng lúc, song các cánh cửa huy động vốn đều tắc nghẽn.
Đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, DN bị ảnh hưởng nguồn thu và có khả năng không kịp trả các khoản vay gốc, nợ lãi và trái phiếu sắp đến hạn. Nếu tình hình này kéo dài sẽ gây rủi ro, làm mất thanh khoản hàng loạt.
Để giải quyết những khó khăn, Novaland kiến nghị Nhà nước cho phép các DN BĐS và xây dựng được phép tái cơ cấu, gia hạn, ân hạn các khoản nợ đến hạn trong 3 năm và không bị chuyển nhóm nợ. Các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất, gia hạn kỳ hạn trái phiếu cho các DN BĐS và xây dựng thời hạn 3 năm để giảm áp lực và tăng niềm tin cho thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho rằng, DN BĐS và người dân đang kỳ vọng sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường.
Theo ông Châu, một trong những khó khăn cần sớm được tháo gỡ là giãn nợ, bởi DN có các khoản vay tín dụng sắp đáo hạn nếu không được gia hạn sẽ bị xếp vào nhóm nợ xấu. DN có các khoản vay tín dụng quá hạn cũng đứng trước nguy cơ bị nhảy nhóm thành nợ xấu hơn.
Để gỡ điểm nghẽn này, ông Châu đề nghị NHNN xem xét ban hành thông tư cho phép DN BĐS được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn từ 12 - 24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm.
“Nếu điểm nghẽn về tín dụng được giải quyết kịp thời trong năm 2023 thì sẽ giúp ổn định thị trường BĐS, đồng thời có lợi cho sự phát triển bền vững của cả hệ thống tín dụng” - ông Châu nói.
Gỡ khó thế nào?
Dự thảo nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường, trong đó giải pháp giãn nợ gốc và lãi vay cho DN đang được tính đến.
Theo dự thảo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu NHNN Việt Nam rà soát việc cho vay tín dụng đối với các DN BĐS và có giải pháp phù hợp, hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững theo tinh thần Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời xem xét, đề xuất phương án tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo; xem xét chỉ đạo, hướng dẫn giãn nợ gốc, lãi vay cho các DN BĐS khó khăn (DN, dự án BĐS phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng...); chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các DN, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Chính phủ yêu cầu NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.
Bên cạnh đó, yêu cầu NHNN chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các DN, dự án BĐS đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình BĐS phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Dự thảo nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển cũng đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022-2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây). Trong đó, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi. Khoảng 50% còn lại sẽ dành cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.