Đó là vấn đề được nhiều ĐBQH đề xuất khi Quốc hội cho ý kiến về Luật Du lịch sửa đổi diễn ra chiều 29/5.
ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh). (Ảnh: Quốc Anh).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, một số ý kiến cho rằng điều kiện kinh doanh cơ sở lưu trú còn đơn giản, đề nghị quy định chặt chẽ hơn. Do đó UBTVQH xin tiếp thu, bổ sung điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch nhằm đảm bảo chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch, bảo vệ quyền lợi của khách du lịch.
Ông Bình cho biết, một số ý kiến đề nghị, đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú cần được thực hiện theo nguyên tắc bắt buộc. Việc thực hiện đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc bắt buộc tạo thuận lợi cho công tác quản lý về chất lượng cơ sở lưu trú, tác động tích cực đến môi trường kinh doanh, góp phần bảo vệ và nâng cao uy tín ngành du lịch. Tuy nhiên, việc thực hiện theo nguyên tắc này còn mang nặng tính hành chính, can thiệp vào sự vận hành của hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú theo quy luật thị trường. Đồng thời đề nghị cần bổ sung quy định thẩm định lại cơ sở lưu trú du lịch sau 5 năm kể từ ngày được xếp hạng.
ĐB Phạm Đình Quốc (Bà Rịa -Vũng Tàu) cho rằng, Dự thảo luật đã tiếp thu nhiều nội dung rõ ràng và cố gắng cụ thể hóa du lịch, thiết kế theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định trách nhiệm cụ thể hơn. Do đó, việc xếp hạng cơ sở lưu trú để bảo đảm minh bạch cho các cơ sở, phương án này tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý. Thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú nên mạnh dạn giao cho cơ quan chuyên môn du lịch cấp tỉnh hạng 1 đến 4 và hạng đạt tiêu chuẩn. ĐB Huỳnh Cao Nhất (Bình Định); Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với quan điểm này và cho rằng “đăng ký xếp hạng lưu trú cần là điều kiện bắt buộc”.
Phân tích thêm, ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nói: Chúng ta cần quy định bắt buộc xếp hạng cơ sở lưu trú nhằm ngăn chặn sự mạo nhận, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Điều kiện kinh doanh cơ sở lưu trú nếu không bắt buộc sẽ phụ thuộc vào ý chí của các cơ sở kinh doanh. Việc xếp hạng coi như khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm và Nhà nước quy định chặt chẽ vấn đề này vì nhiều nơi qua 3 năm hoạt động nhiều cơ sở đã xuống cấp, nguồn nhân lực thay đổi thường xuyên. Cho nên sau 3 năm cần kiểm tra, chấn chỉnh lại.
Nói như lời ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) thì việc xếp hạng cơ sở lưu trú từ 1/5 sao để các cơ sở kinh doanh hướng tới đạt chuẩn và phấn đấu thu hút du khách. Sau 5 năm thì tiến hành kiểm tra và xếp hạng lại nhưng để tránh việc “chạy sao” cần hướng tới tạo nên hệ thống lưu trú đầy đủ minh bạch, bảm đảm xếp hạng gia cơ sở lưu trú gắn với gia tăng giá trị kinh doanh, đồng thời không được phát sinh tiêu cực.
Trong khi đó, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Bình) đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định xếp hạng đối với điểm du lịch vì điểm du lịch là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch, việc xây dựng các điểm du lịch đạt chuẩn là cơ sở quảng bá du lịch, và hiện một số nước đã xếp hạng điểm du lịch từ A1 đến A5 như tại Singapore, hay Trung Quốc. “Hiện nhiều điểm du lịch hấp dẫn trong trước đã đang đầu tư, nếu chúng ta xếp hạng theo tiêu chí cụ thể sẽ đạt hiệu quả tốt hơn. Do đó cần bổ sung một điều về xếp hạng điểm du lịch”-bà Lan cho hay.