Từ ngày 15/5/2021, Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) có hiệu lực. Với nhiều thay đổi, Nghị định được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những bất cập trong quá trình xét tặng danh hiệu.
Điểm mới nổi bật tại Nghị định 40 là hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT chỉ cần đạt từ 80% phiếu đồng thuận của thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp lấy ý kiến là có thể được hoàn thiện và chuyển lên hội đồng cấp cao hơn.
Trước đó, theo Nghị định 89 tỉ lệ này là 90%. Cùng với đó, các tiêu chí xét tặng danh hiệu cũng đã có sự “giảm bớt” để tránh tình trạng xin cho, gây bức xúc thậm chí là kiện tụng. Cụ thể, để đạt danh hiệu NSND, nghệ sĩ cần đạt một trong các tiêu chí gồm có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân).
Còn với danh hiệu NSƯT được xét tặng cho các cá nhân hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật cơ sở; cá nhân hoạt động nghệ thuật tự do (như diễn viên: Hát, múa, nhạc, sân khấu, điện ảnh...; đạo diễn tác phẩm thuộc lĩnh vực: Tuồng; Chèo; Cải lương; Kịch dân ca;... người làm âm thanh trong tác phẩm điện ảnh, truyền hình và sân khấu...) đạt các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức.
Đồng thời đạt một trong các tiêu chí sau có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân), có ít nhất 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân), có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia (nếu không có 1 giải Vàng là của cá nhân).
Đặc biệt, theo Nghị định nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng theo quy định tại điểm nêu trên và được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Nghị định cũ chỉ xem xét các trường hợp nghệ sĩ là người cao tuổi có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật và nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương, đất nước.
Ngoài ra, Nghị định mới cho phép xem xét thêm trường hợp nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.
Bên cạnh đó, Nghị định 40 còn có thêm quy định, thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của nghệ sĩ được tính từ khi cá nhân đủ 18 tuổi, hoạt động nghệ thuật tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu tại Hội đồng cơ sở. Quy định này được cho là “hợp tình, hợp lý” với thực tế bởi có nhiều nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ trước khi tốt nghiệp…
Đặc biệt, sự sửa đổi này nhằm tháo gỡ vướng mắc từ nỗi lo không đủ bằng cấp đối với trường hợp các nghệ sĩ hoạt động ở các loại hình nghệ thuật mang tính truyền nghề. Bởi trên thực tế, đối với những lĩnh vực như Xẩm, Tuồng, Chèo cổ... rất ít các cơ sở đào tạo thu hút được học viên tham gia, cho dù có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng.
Cùng với đó, nhiều tiêu chuẩn xét tặng NSND, NSƯT khác cũng được thay đổi theo hướng có lợi hơn cho nghệ sĩ. Thay vì quy định thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên, riêng với nghệ sĩ xiếc, múa là 15 năm trở lên mới được xét tặng danh hiệu NSND như trước đây, Nghị định mới giữ nguyên về số năm nhưng cho phép tính cộng dồn.
Tức là nghệ sĩ có thể hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc ngắt quãng, miễn là đảm bảo số năm theo quy định. Quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp cho cá nhân được xét tặng danh hiệu NSƯT cũng được cộng dồn như thế.
Đánh giá về những thay đổi này, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VHTTDL) Phùng Huy Cẩn nhìn nhận, điểm cộng của nghị định 40 chính là đã gỡ khó cho những nghệ sĩ hoạt động trong những lĩnh vực nghệ thuật đặc thù mang tính chất truyền nghề.
Nếu cứ cứng nhắc theo Nghị định 89 (cá nhân bắt buộc phải tốt nghiệp tại một cơ sở đào tạo chuyên nghiệp) mới đủ điều kiện xét công nhận NSND, NSƯT thì sẽ rất thiệt thòi cho các nghệ sĩ. Tuy nhiên, theo ông Cẩn, những quy định mới dù đã tháo gỡ những vướng mắc nhưng lại vô cùng chặt chẽ.
Đơn cử như, tỉ lệ phiếu đồng ý giảm xuống 80% nhưng yêu cầu tại Nghị định mới lại chặt chẽ hơn với quy định 90% thành viên hội đồng phải có mặt khi tổ chức phiên họp, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch ủy quyền.
Nghị định 89 chỉ quy định tỉ lệ 75% thành viên Hội đồng có mặt. Hay quy định về những trường hợp đặc biệt nhằm tôn vinh những nghệ sĩ có nhiều cống hiến trong đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà nhưng vì nhiều lý do nên không có đủ các giải thưởng theo quy định.
Tuy nhiên, những trường hợp đặc biệt này vẫn phải qua 4 cấp Hội đồng và cuối cùng là trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Để tôn vinh đúng, trúng, không bỏ sót tài năng có nhiều cống hiến, đòi hỏi các cơ sở phải luôn luôn chủ động và sát thực tế.