Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga mới đây cho biết, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang chủ trì liên kết nhiều trường ĐH để tuyển sinh theo nhóm, đồng thời sắp tới cũng có thể có thêm một số trường liên kết lại thành lập nhóm tuyển sinh chung.
Phương thức xét tuyển theo nhóm được kỳ vọng giảm lượng thí sinh ảo.
Nhận xét về việc tuyển sinh theo nhóm, Thứ trưởng Ga khẳng định, đây là phương án được cho là giải pháp đầu tiên để loại được lượng thí sinh ảo trong kỳ thi THPT Quốc gia, đã được các chuyên gia dự báo sẽ có lượng thí sinh ảo lớn.
Trong mùa tuyển sinh 2016, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cùng một số trường như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Mỏ địa chất, ĐH Thủy lợi, ĐH giao thông vận tải, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp Hà Nội... thống nhất cơ bản về việc lập một nhóm để xét tuyển chung. Ông Hoàng Minh Sơn- Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Năm nay, ở đợt 1 thí sinh được đăng ký xét tuyển vào hai trường, mỗi trường được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng. Việc thí sinh đăng ký xét tuyển như vậy các trường đều thấy nguy cơ thí sinh ảo cũng như điểm chuẩn ảo sẽ tăng cao, điều này sẽ tạo ra bất lợi cho thí sinh và các trường. Từ thực tế đó, các trường đưa ra đề án liên kết tổ chức xét tuyển theo nhóm trường, nhóm ngành nhằm giảm lượng thí sinh ảo.
Về cách thức xét tuyển theo nhóm trường, ông Sơn chia sẻ: Thí sinh xét tuyển vào trong nhóm này có thể đăng ký xét tuyển vào hai trường, hoặc ba trường, còn số nguyện vọng tuân theo quy chế chung của Bộ GD&ĐT chỉ khác phương thức đăng ký xét tuyển là thí sinh đăng ký nguyện vọng vào chung một phiếu đăng ký xét tuyển. Như vậy khi xét tuyển, thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng 1 vào trường A, nguyện vọng 2 vào trường B, nguyện vọng 3 vào trường C, nguyện vọng 4 vào trường D. Khi đó thí sinh sẽ có cơ hội trúng tuyển vào nhóm ngành mà mình yêu thích nhiều hơn và giảm thiểu lượng thí sinh ảo nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường.
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc tuyển sinh theo nhóm có thể chỉ diễn ra ở những trường tốp đầu, rõ ràng tạo bất lợi cho những trường tốp dưới. Về điều này, ông Hoàng Minh Sơn cũng khẳng định: “Khi những trường tốp trên xét tuyển theo nhóm, những trường tốp dưới cũng không gặp khó khăn ở khâu xét tuyển bởi trường tốp dưới thường tuyển sinh ở đợt 2. Khi đợt 1 các trường tránh được ảo thì những trường tốp trên, tốp giữa sẽ không xét tuyển đợt 2. Số thí sinh còn lại sẽ đăng ký xét tuyển vào những trường xét tuyển ở những đợt sau”.
Bên cạnh đó ông Sơn cũng đưa ra góp ý, để thuận lợi trong công tác tuyển sinh, các trường tốp dưới có cùng một dải điểm cũng có thể lập một nhóm tuyển sinh riêng. Bởi theo Luật Giáo dục đại học, việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường, kể cả việc thành lập nhóm tuyển sinh chung hay tham gia nhóm tuyển sinh là quyền của các trường.
Tuy nhiên, về chủ trương tuyển sinh theo nhóm này, GS Hà Huy Khoái và TS Phan Huy Phú (ĐH Thăng Long) cho rằng tốt nhất mỗi khu vực chỉ nên có một nhóm xét tuyển. Bởi vì “nếu hiểu được vấn đề, thí sinh sẽ muốn đăng ký nguyện vọng vào “nhóm xét tuyển” nào có nhiều trường, vì vậy những trường đứng một mình sẽ bất lợi hơn những trường tham gia vào một nhóm nào đó. Và khi một nhóm xét tuyển càng có nhiều trường thì các trường đứng một mình càng bất lợi”.
Trong trường hợp có nhiều nhóm xét tuyển trong một khu vực thì cần phải cho phép một trường có thể tham gia vào nhiều nhóm, miễn là mỗi “mã xét tuyển” của trường chỉ được tham gia vào một nhóm. Ví dụ: Ngành kế toán của trường A tham gia vào nhóm xét tuyển có Trường ĐH Kinh tế quốc dân, còn ngành Điều dưỡng tham gia vào nhóm có Trường ĐH Y Hà Nội. Bộ GD&ĐT cần có mẫu đăng ký nguyện vọng phù hợp với quy định, dùng chung cho toàn quốc. Không thể để mỗi nhóm đưa ra mẫu đăng ký riêng. Trong đợt xét tuyển đầu, mỗi thí sinh chỉ nộp một phiếu đăng ký xét tuyển và Bộ phải là nơi điều phối việc này.